Đọc hiểu là đối thủ nặng ký không bao giờ vắng bóng trong các bài test tiếng anh. Chú ý thêm một xíu nữa, nếu tăng khả năng đọc hiểu bạn có thể đọc sách, báo, truyện bằng tiếng anh ngon ơ! Nhưng việc này cũng khiến nhiều teen toát mồ hôi hột.

Thủ thuật chung:

Không cố sức hiểu tất cả các từ mới hay dịch hết cả bài ra tiếng việt. Một đoạn văn có thể rất dài nhưng chỉ có vài câu hỏi thôi. Vì thế, bạn cần có kĩ năng và chiến lược trong việc đọc, nhận dạng câu hỏi và tìm kiếm thông tin.

Từ bỏ ngay thói quen cắm đầu đọc từng dòng khi thấy một bài đọc hiểu. Việc đầu tiên sau khi tìm ra câu hỏi là phải search đoạn thông tin chứa câu hỏi đó.

Đối với mỗi đoạn văn:

1. Dạng câu hỏi về nội dung chính hay tiêu đề của đoạn văn

Thông thường thì luận điểm (ý chính) thường nằm ở câu đầu tiên của đoạn đó, thi thoảng ở câu cuối cùng. Nhưng đây cũng không phải là điều tuyệt đối. Với những trường hợp ngoại lê, khi ý đoạn đầu và cuối không ăn nhập với nhau hoặc bạn có chút nghi ngờ, hãy làm các câu hỏi chi tiết trước. Sau khi hoàn thành chi tiết, bạn đã ít nhiều hiểu được nội dung, lúc này quay lại xử nốt chiến sĩ tiêu đề kia là kịp.

2. Dạng câu hỏi về trình tự bài văn

Các đoạn văn thường được viết theo những trình tự như: chronological order (trình tự thời gian), general to specific (từ khái quát đến cụ thể), definition and example (định nghĩa và ví dụ)… Để làm được dạng câu hỏi này, bạn nên đọc lướt nội dung và đặc biệt chú đến từ nối giữa các đoạn.

Ví dụ như: trong một bài văn, thường xuất hiện những mốc thời gian theo một trình tự nhất định (tăng dần hoặc giảm dần) hay những từ chỉ trình tự thời gian như: Firstly, after that, then,… thì bạn hãy chú ý đến đáp án chronological nhé!

3. Dạng câu hỏi tìm nghĩa của từ xuất hiện trong đoạn

Đây là dạng bài bạn dễ bị lừa. Vì nghĩa từ trong tiếng Anh không phải chỉ có một, do đó bạn phải đọc lại cả câu rồi dựa vào ngữ cảnh để kiểm tra lại từ. Mách nhỏ một thủ thuật nữa là: bạn luôn luôn phải đọc cả câu chứa từ đó, thậm chí là câu trước và sau nó nữa. Với những từ bạn đã biết cũng không nên chủ quan.

4. Dạng câu hỏi chi tiết về một nội dung, tình huống của bài

Dựa vào từ nối, từ dẫn, những từ, cụm từ đồng nghĩa là một cách cực hiệu quả để trả lời những dạng câu hỏi này.

Ví dụ như đề ra: What is Tom’s opinion on Lindar’s behavior?

Khi đó, bạn hãy tìm trong bài những chỗ có thông tin liên quan đến Tom, hay chú ý đến những đoạn có tên Tom xuất hiên cùng những cấu trúc như: ‘In his opinion’ hay ‘ To his mind’

Một ‘chiêu’ cực hiệu quả và đặc trưng cho kiểu thi trắc nghiệm teen đừng quên: phương pháp loại trừ. Nếu việc tìm thông tin trong bài không cho bạn đáp án, nhưng lại giúp bạn tìm ra sự bất hợp lý của ba đáp án còn lại thì khoanh đáp án thứ tư ngay. Không chần chừ gì cả!

Một chữ NOTE cực to cho bạn: trong quá trình tự luyện các bài đọc hiểu, teen hãy cố gắng đoán nghĩa của từ, đừng thấy từ mới là vội tìm ngay sự trợ giúp của từ điển. Sau khi đã hoàn thành bài đọc, check lại các câu trả lời, mình tra từ mới cũng chưa muộn. Đoán nghĩa của từ theo văn cảnh là một kỹ năng thiết yếu để đọc hiểu. Nó giúp bạn hiểu nội dung bài đọc và trả lời câu hỏi một cách dễ dàng, đồng thời giảm bớt áp lực khi đứng trước một bài đọc nhiều từ mới! Áp lực không còn thì linh cảm mới đúng, làm bài mới dễ dàng!

Chúc các bạn may mắn trong kỳ thi sắp tới!

Theo: Ione