Phan Văn Tiên, chàng trai thủ khoa khối C Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), cho rằng luyện thi đại học môn văn, sử, địa cũng giống như học các môn tự nhiên, đòi hỏi sự tư duy rất cao.

Mỗi môn đều có cách học riêng nhưng điểm chung ở ba môn là sự linh hoạt vận dụng kiến thức sách vở một cách chọn lọc khi làm bài.

“Có một điểm chung nhất, mọi môn học đều bắt nguồn từ đam mê, tiếp thu kiến thức, tránh tình trạng học đối phó, học tủ… Học tập là một hành trình dài, hãy biến những kiến thức khô khan thành hành trang quý báu để bạn vững tin khi bước vào cuộc sống” - Tiên chia sẻ kinh nghiệm với các sĩ tử khối thi này.

Điều đầu tiên cần thiết cho tất cả các bạn là kiến thức sách giáo khoa, mọi môn học đều bắt nguồn từ kiến thức trong sách. Đây là tài liệu quan trọng, được chắt lọc và đáng tin cậy nhất. Để hiểu rõ bài học, không chỉ các bạn cần nắm vững ý chính của bài trong sách mà cần phải nghe giảng bài, những kiến thức bổ sung ngoài sách vở của thầy cô giáo là một tài liệu quý báu để mình có thể được điểm cao.

Phan Văn Tiên - thủ khoa khối C Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Phan Văn Tiên - thủ khoa khối C Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Luyện thi đại học môn văn: quan sát và cảm nhận cuộc sống

Đối với môn văn, điều cần làm đầu tiên là đọc kỹ tác phẩm, và sau khi đọc xong, gấp sách lại bạn cảm nhận được gì qua tác phẩm và ý nghĩa mà tác giả muốn hướng đến. Bạn cần phải xác định những ý chính trong tác phẩm, những câu, từ ngữ quan trọng. Và đó có thể chính là chìa khóa để bạn hiểu sâu sắc và cảm nhận rõ hơn tác phẩm. Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo thêm một số sách bài văn hay có chọn lọc, không nên đọc quá nhiều. Như vậy sẽ loãng kiến thức, bạn nên đọc kỹ và qua sự tham khảo đó rút lại cho bản thân mình được những gì, bạn hãy biến giọng văn của sách tham khảo thành lời văn của mình.

Học văn bạn cần phải quan sát, cảm nhận từ cuộc sống, tiếp xúc nhiều sẽ giúp bạn có một lượng ngôn từ phong phú để vận dụng vào làm bài, đặc biệt là câu nghị luận xã hội. Khi làm bài, bạn cũng nên trình bày một cách rõ ràng, từng luận điểm cụ thể để khi chấm bài, giáo viên không đọc sót ý của các bạn.

Luyện thi đại học môn lịch sử: không nhất thiết phải thuộc lòng

Với môn sử, môn học được cho là khó khăn nhất trong khối C vì các bạn thường có quan niệm rằng văn có thể “chế”, địa có thể “bịa” còn sử thì không vì nó đòi hỏi sự chính xác ở từng số liệu và sự kiện. Nhưng học sử đâu nhất thiết phải học thuộc lòng, khuôn mẫu mà cái chính là phải hiểu sử.

Nhưng muốn hiểu được thì đó cũng là cả một vấn đề. Bạn không cần học, thuộc quá nhiều kiến thức lịch sử vì đôi lúc bạn sẽ nhầm lẫn rồi “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Bạn chỉ nên học ý, một bài lịch sử rất dài, có thể 3, 4, thậm chí là 7, 8 trang sách. Nhưng không nhất thiết bạn phải thuộc tất cả kiến thức đó.

Mỗi bài thường có một, hai nội dung, ý nghĩa cần hướng tới, điều bạn cần làm là phải nắm được ý nghĩa lịch sử của bài học để từ đó hiểu được nội dung mà bài muốn truyền đạt. Trong quá trình học, bạn nên kết hợp giữa việc tập làm bài, gạch những ý chính, với câu hỏi đó thì cần có những ý chính nào, bạn cần phải nhớ… Việc tập viết nhiều sẽ giúp bạn làm bài một cách mạch lạc và liên kết chặt chẽ từng sự kiện lại với nhau, từ đó giúp bạn nhớ lâu và hiểu bài hơn.

Luyện thi đại học môn địa lý: tránh trình bày dài dòng

Còn môn địa, với phần lý thuyết, các bạn nên học theo mẫu câu để có thể nhanh chóng hiểu bài và tránh trình bày thiếu ý. Ví dụ như đề yêu cầu trình bày về nguồn lực, tiềm năng phát triển thì các bạn cần trình bày 2 ý lớn chính: điều kiện tự nhiên và xã hội. Dựa vào từng yêu cầu của đề bài mà có những mẫu câu khác nhau.

Còn phần bài tập, bạn nên hiểu và thông dụng tất cả các dạng bài tập. Muốn làm được điều đó, một cách đơn giản nhất là bạn đọc kỹ đề, trong câu dẫn đề sẽ có đáp án cho bạn.

Cụ thể như khi đề yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng, gia tăng… thì là đường xử lý, vẽ cơ cấu 3 năm trở xuống là tròn, 4 năm trở lên là miền, hai số liệu khác nhau là kết hợp…

Đặc biệt, địa khác với văn, sử ở cách trình bày nên các bạn chỉ cần chú ý tránh trình bày dài dòng, chỉ nên gạch ý đầu dòng, rõ ràng. Vì thế, khi học địa các bạn chỉ nên học ý, tự vạch cho mình một đề cương để có thể học một cách hiệu quả.

HÀ BÌNH - TuoiTre.vn