Khủng hoảng có nên chọn ngành kinh tế?

"Ngành nào ra trường nhanh có việc làm nhất?” - câu hỏi của một học sinh nhận được những tràng pháo tay, tiếng “ồ” lên “đồng cảm” của những bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời.

Chia sẻ cùng bạn, TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nói: “Ngành nào các bạn thấy mình có thể đi theo nó, đảm bảo tương lai cho mình thì ngành đó sẽ dễ tìm việc nhất. Bất kỳ ngành nào các bạn cũng có thể tìm được việc làm chứ không chỉ là những ngành được cho là “hot”, thời thượng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh để chọn ngành các bạn cần theo tam giác: năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội. Nếu đam mê ngành nào đó, bạn sẽ hăng say học tập, tích lũy kiến thức kỹ năng từ giảng đường để bước vào môi trường làm việc. Tóm lại, nếu các bạn chọn ngành mình đam mê, dấn thân theo thì cơ hội tìm việc làm sẽ rất cao...”.

Bên cạnh đó, thí sinh Bình Định cũng đặt câu hỏi: “Trong tình hình kinh tế khủng hoảng như hiện nay, có nên theo ngành kinh tế?”. Đại diện ban tư vấn, TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - giải đáp: “Năm 2008-2009 kinh tế thế giới bắt đầu suy thoái và ảnh hưởng đến VN. Tôi muốn chia sẻ cùng các bạn những ý thế này. Thứ nhất, nền kinh tế thế giới, Đông Nam Á hay VN đều diễn biến theo chu kỳ. Sẽ có những lúc phát triển và chựng lại chứ không phải lúc nào cũng thẳng tiến. Chúng tôi mong các bạn tiếp nhận quy luật này như một điều bình thường”. Thầy Hoàng nhắn nhủ thêm: “Tại thời điểm này các bạn thi ĐH thì đến năm 2018 mới ra trường. Lúc đó nhu cầu nhân lực sẽ khác...”.

Nhu cầu nhân lực cao nhất ở ngành kỹ thuật công nghệ

Câu hỏi đầu tiên của học sinh Nguyễn Nhã Yến, Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM khiến nhiều học sinh khác thích thú, khi em nêu ra một vấn đề hết sức thú vị: “Em muốn biết ngành nào thi dễ đậu, ra trường có việc làm ngay với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng?”.

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), giải đáp: “Tương lai việc làm của các em sẽ tới sau 4 đến 5 năm nữa. Ở thời điểm này, nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn phục hồi và bước vào mốc điểm quan trọng của sự hội nhập cộng đồng ASEAN sau 2015. Thị trường lao động này sẽ rất cạnh tranh và rộng mở. Trong đó, những sinh viên giỏi chuyên môn, thành thạo kỹ năng và mang trong mình quyết tâm cao độ sẽ có nhiều cơ hội để khẳng định thành công. Khi đó, không chỉ 10 triệu đồng mà thu nhập các em kiếm được có thể cao hơn rất nhiều”.

Cũng theo thạc sĩ Tuấn, từ nay đến 2020 các tỉnh phía nam sẽ cần hơn một triệu lao động nên việc làm rất nhiều và trải đều cho tất cả các nhóm ngành. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là kỹ thuật công nghệ 35%, kinh tế tài chính ngân hàng 33%, khoa học tự nhiên 7%, khoa học xã hội nhân văn và du lịch 8%, kế đến là sư phạm và quản lý giáo dục, nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, văn hóa nghệ thuật và thể thao.

Tổng hợp TNO, TTO

Nguồn tin: KenhTuyenSinh