Cho rằng hai mức điểm sàn là "phân biệt nông thôn, thành phố", không giải quyết được vấn đề tuyển sinh, nhiều trường ngoài công lập kiến nghị Bộ GD&ĐT siết chặt chỉ tiêu của ĐH công lập.

* Tin thêm: Sẽ không có hai mức điểm sàn Đại học

Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án hai mức điểm sàn để lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, mức thứ nhất là xác định như trước đây (áp dụng cho xét tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2) và mức thứ hai thấp hơn khoảng 2 điểm (áp dụng cho những nguyện vọng sau).

Tuy nhiên, Hiệp hội các trường ngoài công lập Việt Nam cho rằng, theo số liệu trong "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013", Bộ cho các trường tổng chỉ tiêu là hơn 642.600, trong đó các trường công lập đã chiếm khoảng 512.500. Nếu các trường công lập được phép du di 10% chỉ tiêu thì khả năng các trường công có thể tuyển được khoảng 600.000, và như vậy các trường ngoài công lập sẽ không còn nguồn để tuyển.

Bà Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT ĐH Thăng Long cho rằng, hệ thống trường dân lập đã có công đào tạo đội ngũ nhân lực lớn mà nhà nước không phải mất tiền để đầu tư. Nhưng hệ thống các trường công lập rất lớn nên dù có thay đổi thế nào thì trường ngoài công lập vẫn khó tuyển sinh.


Các trường ngoài công lập kiến nghị cần siết chặt chỉ tiêu trường công để trường tư tuyển sinh dễ dàng hơn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

"Xung quanh ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) có 3 trường đại học công lập được nâng cấp lên từ các trường cao đẳng. Tôi nghĩ dù có cố gắng đến mấy thì trong tương lai trường cũng sẽ sập. Tại sao phải đưa ra hai mức điểm sàn trong khi chỉ cần Bộ đầu tư ở khâu ra đề, không đánh đố thí sinh", bà Sính nói.

Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng cho rằng, năm nay ngay cả trường công tuyển đủ chỉ tiêu đã là kỳ tích bởi chỉ tiêu không giảm nhưng số thí sinh thì ít đi. Theo ông Tùng, nếu cho rằng các trường ngoài công lập phát triển như nấm sau mưa (59 trường trong 10 năm) thì sự phát triển các trường công lập là "siêu nấm" bởi trong 10 năm 2001-2011 đã tăng thêm 158 trường, trong đó có nhiều trường được nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng lên.

"Nếu quan điểm của Bộ là chất lượng thì phải có sự can thiệp của nhà nước. Để phát triển lành mạnh phải khống chế chỉ tiêu của các trường công. Mỗi năm giảm 7% chỉ tiêu của các trường công, thực hiện khoảng 5 năm. Khi chỉ tiêu các trường công giảm đi thì nguồn tuyển tăng lên, tạo điều kiện cho các trường tư tăng chất lượng", ông Tùng đề xuất.

Vị hiệu trưởng ĐH FPT cũng cho rằng cần quy hoạch lại hệ thống giáo dục đại học, quy hoạch lại trường công, tạo điều kiện cho trường tư bởi sân chơi phải bình đẳng, công bằng với các trường và công bằng với thí sinh.

Hiệu trưởng CĐ Asean Nguyễn Văn Tạo cũng không đồng ý với phương án 2 điểm sàn bởi "có 2 mức sàn là phân biệt thành phố và nông thôn. Không thể xây dựng điểm sàn như điểm chuẩn các trường đại học được".

Theo ông Tạo, Bộ phải quyết định nghiêm túc chỉ tiêu hàng năm phân cho các trường công bởi thực tế các trường này sinh viên tính theo đầu giảng viên cao gấp 2 lần quy định. Hơn nữa, trường công lập có hai nhiệm vụ là đào tạo tinh hoa và đào tạo theo chính sách xã hội nên càng phải tính chỉ tiêu quy đổi từ số lượng giảng viên và diện tích của trường.

Lãnh đạo trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội đề nghị Bộ làm thật tốt chức năng quản lý nhà nước, xác định phân bố chỉ tiêu các trường công lập và điểm sàn chính xác hơn. Theo vị lãnh đạo này, trường công bây giờ đào tạo cả hệ đại học, cao đẳng, trung cấp... như vậy sẽ bị phân tán. Ông đề nghị việc tuyển sinh vừa căn cứ điểm sàn, nhưng đồng thời Bộ nên để các trường được tự xét.

Kiều Trinh - VnExpress.net