Bạn đã có phương pháp làm bài thi khối C, luyện thi đại học khối C chưa? Hãy cùng trung tâm tham khảo các phương pháp luyện thi đại học khối C, bí quyết làm bài thi đại học khối C, chi tiết là: Luyện thi đại học Môn Văn, Luyện thi đại học Môn Sử và Luyện thi đại học Môn Địa của một người bạn đã trải qua những ngày tháng khó khăn của kì thi đại học nhé!

Luyện thi đại học Môn Văn

Việc lập dàn ý là điều mà nhiều bạn bỏ quên khi làm bài Văn. Hãy tập thói quen làm dàn ý trước khi thi bởi một trong những nguyên tắc quan trọng của một bài văn đạt điểm cao đó là viết văn có luận điểm. Một khi không lập dàn ý, bài văn không thể đạt kết quả cao do người viết tùy hứng, không có luận điểm.

Một lưu ý đối với các bạn, đừng để mất điểm ở những lỗi không đáng có:

  • Không có phần giới thiệu tác giả, tác phẩm (phần này được 0,5 điểm trong câu 5 điểm nhưng nhiều bạn bỏ qua)
  • Trình bày không đúng cách
  • (thụt vào đầu dòng không đều nhau hoặc viết quá liền cũng như quá xa lề, trích dẫn chứng không cân xứng ở giữa trang giấy)…

Về nội dung làm bài, tôi chỉ xin lưu ý các bạn ở phần Nghị luận xã hội, cần viết Văn trên tư cách là một công dân nhỏ tuổi quan tâm đến các vấn đề xã hội, đừng cố gượng giọng như một nhà chính trị, bài của bạn chắc chắn sẽ gây mất thiện cảm với người chấm. Nhớ rằng giọng điệu của mình khi viết Văn là rất quan trọng.

Phương pháp làm bài thi đại học khối C để bạn tham khảo

Ảnh minh họa

Luyện thi đại học Môn Sử

Các bạn nên trình bày bài Sử như một bài Văn (có mở, thân và kết). Trình bày một cách khoa học, tách ý như trong sách giáo khoa. Chỉ như vậy người chấm mới có cảm tình, những bài có ý nhưng rối rắm, xuống dòng không đúng chỗ sẽ bị mất điểm.

Khi làm bài thi môn Sử, cần làm một cách khách quan, không đưa ý kiến cá nhân vào, bởi đó là việc của các nhà sử học.

Luyện thi đại học Môn Địa

Đối với môn Địa, việc làm như Văn và Sử sẽ phản tác dụng. Hãy gạch từng ý rõ ràng và rành mạch, ý nhỏ hơn nên thụt vào một khoảng nhất định. Trình bày một cách rõ ràng sẽ gây thiện cảm với người chấm.

Đối với kiếu bài vẽ biểu đồ, nên nắm vững các dạng biểu đồ qua từ khóa để nhận dạng cho đúng. Ví dụ như có "tỉ lệ" thì các bạn cần nghĩ ngay đến biểu đồ tròn, miền hoặc cột chồng, sau đó cần xem số lượng nằm trong dữ liệu để chọn cho đúng. Biểu đồ chiếm tới 3 điểm, ranh giới giữa đỗ và trượt nằm ở đây, do đó, lời khuyên của tôi là bạn nên bấm máy 3 lần trước khi điền vào bài thi. Tránh việc nhầm lẫn đáng tiếc về số liệu trong khi còn thừa thời gian hoang phí để rồi khi thi xong mới nuối tiếc "biết thế mình tính lại"

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với các bạn đó là tâm lí một số bạn thi khối C lo là "liệu giọng Văn của mình có hợp với người chấm hay không?". Các bạn hãy yên tâm về vấn đề này, việc chấm bài thi ĐH là một việc quan trọng, có nhiều giáo viên sẽ cùng chấm bài của các bạn, nó hoàn toàn khách quan. Điều quan trọng giữ tâm lí thật thoải mái khi làm bài, làm xong một môn nào đó hãy bình tĩnh làm những môn tiếp theo bởi đơn giản kết quả thi ĐH là kết quả của ba môn chứ không phải một hay hai môn. Với tư cách một người bạn đã trải qua những ngày tháng khó khăn của kì thi và đã vượt qua nó, chúc các bạn vượt vũ môn thành công vào cánh cổng trường ĐH mà các bạn mong muốn.


Theo Bạn Nguyễn Thế Hưng - Thủ khoa khối C kỳ tuyển sinh năm 2012 của Trường ĐHSP Hà Nội

Nguồn: Giáo Dục & Thời Đại