Bí quyết làm bài thi đại học của các thủ khoa
Làm hết những câu chắc chắn đúng, những câu không chắc thì đánh dấu nhân bên cạnh để quay lại làm lượt hai là chia sẻ của thủ khoa khi tư vấn ôn và làm bài thi tại trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình).
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đinh Quang Cường cho rằng, luyện thi đại học môn Toán, đặc biệt là hình học không gian thì sự tưởng tượng đóng vai trò quan trọng. Không có hình dung, chắc chắn không thể trở thành học sinh học được môn hình học không gian, chưa nói là học giỏi. Cường luôn tưởng tượng mình nằm trong các hình không gian để dễ nhớ cách phân chia và tìm ra lời giải một cách nhanh nhất.
Với những bài trắc nghiệm Hóa, Lý, chàng sinh viên Ngoại thương chia sẻ, phải làm hết một lượt những câu chắc chắn đúng. Với câu không chắc chắn thì đánh dấu bên cạnh. Cứ quay vòng như thế, khi còn ít thời gian, thí sinh đếm tần suất xem câu nào sác xuất đúng cao hơn thì chọn đáp án đó.
Cường chia sẻ, ba yếu tố để chiến thắng là trí tuệ, tâm lý và sự may mắn. Trước đây, Cường không đi học thêm ở các trung tâm luyện thi đại học. Cậu sưu tầm các loại đề và làm miệt mài. Cách này đã giúp trình độ của cậu tăng lên rất nhanh.
Thủ khoa Học viện Quân y, á khoa ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2009 Lê Văn Tùng bổ sung, chăm chỉ cũng đóng một vai trò quan trọng khi ôn thi đại học. Ngày lớp 8, cậu học rất yếu môn Hóa. Sang lớp 9, Tùng đầu tư cho môn học này nhưng lúc đó trong đầu chỉ có một phản ứng “H2+ O2=H2O”. Viết một phản ứng hóa học khó hơn, Tùng không viết được, phải quay sang chép bài bạn ngồi cạnh.
"Tại sao các bạn học Hoá tốt vậy mà mình không học được?", Tùng thắc mắc và bắt đầu từ đó đầu tư học Hóa rất chăm chỉ. Chỉ sau một tháng, từ một người không biết gì về Hóa, Tùng vươn lên vị trí thứ 8 của lớp. Thêm một tháng rèn luyện nữa, Tùng chiếm vị trí số 1 và liên tục trong những năm sau.
Nhớ lại quá trình rèn luyện ấy, Tùng khẳng định, sự chăm chỉ, đầu tư cho các môn thi đại học rất quan trọng. Các em nên tập trung mỗi ngày học một môn để không bị phân tán. Ngoài việc học rập khuôn theo công thức của thầy cô dạy, mỗi bạn nên có một phương pháp sáng tạo, đổi mới về tư duy lẫn phương pháp học tập. Như thay vì chứng minh bài toán ấy đúng theo đề, sẽ chứng minh vì sao bài toán ấy không đúng…
Cựu thủ khoa cũng khuyên các sĩ tử nên tham gia kỳ thi thử mà nhà trường tổ chức với sự nghiêm túc như thi đại học thật. Tâm lý thi thật sẽ là một kinh nghiệm cả về kiến thức, cách làm bài, phân bổ thời gian.
Tham gia chương trình tư vấn, cựu học sinh trường THPT Nho Quan A đưa ra những lời khuyên cho thí sinh khối C, D. Đinh Thị Hoa (cựu học sinh K46) cho rằng, muốn học khối C, đòi hỏi học sinh phải có niềm yêu thích rất lớn, suy nghĩ sâu sắc và độc lập.
Đối với môn Văn, muốn học tốt phải có tố chất, học từ tổng quát đến cụ thể. Khi đọc một đề Văn, yêu cầu đầu tiên là phải đọc kỹ. Sau đó, hình dung ra dàn ý trong đầu hoặc vạch ra giấy nháp thật nhanh.
Địa là môn dễ kiếm điểm nhất của khối C. Với môn này, Hoa khẳng định chỉ cần biết những điểm chính là có thể suy luận và làm nhiều bài được. Riêng bài biểu đồ, nên trình bày từ khái quát cho đến cụ thể. Tuy nhiên, phải biết tổng hợp từ dữ liệu cụ thể bài cho rồi tổng quát lên.
Sử là môn khó kiếm điểm nhất trong khối C, đòi hỏi người học phải có trí nhớ thật tốt cho các mốc thời gian và sự kiện. Nhưng cũng không vì thế mà bước vào phòng thi, thí sinh căng thẳng dẫn đến không nhớ gì. Để nhớ lâu môn Sử thì đừng nên học quá khuya, vì lúc đó đầu óc mệt mỏi, khó tiếp thu và còn ảnh hưởng sức khỏe.
Các thủ khoa nhắc nhở, thí sinh cần xem môn nào mình nổi trội nhất trong 3 môn thi đại học thì cố gắng nâng lên, đạt điểm cao nhất để cứu 2 môn còn lại. Vì vậy, với những môn không thể cố hơn được nữa, các em cần dành thời gian nhiều hơn cho môn tốt nhất của mình.
"Tôi hy vọng năm sau có nhiều em ngồi đây sẽ đứng lên chia sẻ kinh nghiệm như các anh chị thủ khoa hôm nay. Đây thực sự là hoạt động ý nghĩa, giúp học sinh của trường vững vàng trước kỳ thi vào đại học", Hiệu trưởng THPT Nho Quan A Quách Đức Hiển nói.
Thảo luận: