“Chỉ cần làm được tốt đề thi tốt nghiệp THPT và làm thực chất thì thí sinh có thể đạt 6-7 điểm thi đại học môn Toán”, Nhà giáo Nguyễn Thượng Võ, nguyên giáo viên môn Toán trường chuyên Hà Nội- Amsterdam có nhiều năm kinh nghiệm luyện thi đại học nói.

Thầy khuyên các thí sinh bình tĩnh khi làm bài là điều quan trọng nhất.

Bí quyết thi Đại học môn toán đạt điểm cao
Thầy Nguyễn Thượng Võ. Ảnh: VOV.


Để các thí sinh chuẩn bị tâm thế tốt khi bước vào phòng thi, thầy Nguyễn Thượng Võ phân tích cấu trúc đề thi môn Toán như sau:

Môn Toán bao giờ cũng thi tự luận. 3 phần đề thi đại học nằm trong đề thi tốt nghiệp. Nếu các em làm tốt đề thi tốt nghiệp thì yên tâm ít nhất cũng làm được 6-7 điểm.  

Các em xem lại đề thi tốt nghiệp: câu 1 phải làm được, câu 2 hơi rộng hơn, năm nay có câu tiếp tuyến thì cũng có thể họ vẫn hỏi tiếp tuyến nhưng tiếp tuyến đi qua điểm chứ không tại điểm, hoặc họ có thể cho chiều biến thiên của hàm hoặc cực trị của hàm, vẫn sẽ nằm trong chương trình lớp 12.

Điểm thứ 3 nữa là phương trình, tốt nghiệp là phương trình mũ, chương trình học có cả phương trình mũ và phương trình logarit nên có khả năng ra phương trình logarit hoặc là hệ phương trình, hoặc hệ bất phương trình và lưu ý đại học có thể ra thêm phương trình vô tỉ.

Đại học cũng thi tích phân, mà thi tốt nghiệp cũng có tích phân. Lưu ý các em quan tâm nhất đến tích phân từng phần. Nhớ tích phân từng phần có 4 trường hợp xảy ra, có khi nó chỉ là 1 hàm số mà vẫn phải từng phần, thí dụ tích phân của logarit thì phải đặt logarit là U, bắt buộc đặt Dx là DV.

Thứ hai trong 2 tích của 2 hàm số thì trong đó có 1 hàm số không nằm trong tích phân cơ bản, tích phân có 9 cos nằm trong tích phân cơ bản, bắt buộc phải đặt cái không nằm trong cơ bản là U, cái nằm trong cơ bản là DV...

Thứ ba nếu trong cái tích phân ấy có một hàm đa thức và một hàm khác không nằm trong tích phân cơ bản hoặc có nằm trong cơ bản nhưng là sin, cos lượng giác thì bắt buộc đặt hàm đa thức là U, đặt chệch đi là hỏng hết.

Thứ tư khi làm tích phân mà dùng tích phân từng phần, đặt cái nào ra phải nắm được công thức tính đạo hàm của cái đó. Trong bảng công thức tính đạo hàm có 2 công thức các em hay quên là đạo hàm hàm số mũ và đạo hàm hàm số logarit.

Về hình học giống như tốt nghiệp, có hình học cổ điển, nếu em giỏi giải tích thì gắn vào không gian tọa độ thì tính dễ dàng…

Cuối cùng là số phức, phần lớn ra số phức nhưng cũng có năm móc nối vào lớp 11 thì các thầy đại học cho xác xuất thống kê và tổ hợp giải tích…

“Như vậy đề thi tốt nghiệp rơi trọn vẹn vào đề thi đại học. Làm tốt có thể được 7 điểm. Còn 3 điểm kia nó rơi vào phần nào? Rơi vào phương trình lượng giác, giải tích và vô tỉ như tôi đã nói và 1 điểm nữa dành cho học sinh giỏi, xu hướng thường cho vào bất đẳng thức. Đây là phân môn khó nhất trong chương trình phổ thông. Tôi có kinh nghiệm luyện thi đại học, tôi khuyên học sinh không mơ màng gì câu đó, vì em có làm được 9 điểm kia không, nếu thi đại học mà làm được 9 điểm kia đã đỗ”- Thầy Võ nói.

Hãy dành 5 phút đầu tiên nghiên cứu kỹ đề


Theo thầy Nguyễn Thượng Võ, kinh nghiệm làm bài môn toán tốt là không dùng 5 phút đầu tiên để làm bài ngay. Thường sau khi phát đề không bao giờ tính thời gian ngay, ít nhất thí sinh có 5 phút trước khi tính giờ. Không dùng 5 phút đó làm luôn mà xem kĩ đề, bài nào làm được đánh dấu, bài nào chưa làm được đặt dấu chấm hỏi. Câu nào làm được thì nên làm trước. Thầy Võ kể từng dạy nhiều học sinh chuyên Toán khi thi đi các thí sinh này cứ mải mê chạy theo những câu khó nên làm những câu kia không cẩn thận. “Khi ra khỏi phòng thi mấy thí sinh học chuyên chỉ lăm lăm hỏi nhau có làm được câu này, câu kia không. Đó là những câu khó, thành ra học sinh chuyên toán ít người được thủ khoa”.

Thầy Võ cũng lưu ý các thí sinh cố không làm giấy nháp vì khi làm nháp thì tập trung đến khi chép vào giấy thi sẽ không thực sự tập trung nữa, dễ nhầm lẫn. Nên làm ngay vào giấy thi, giấy nháp chỉ để tính toán lặt vặt.

Lưu ý nữa là khi đi thi người ta chấm cả kiến thức lẫn kĩ năng: người ta chấm từng tí một và người ta chấm đáp số. Nên trình bày thật cẩn thận. Phải “nhặt điểm” từng tí một: ý 1 được, ý 2 được, ý 3 sai thì cũng được điểm 2 ý đầu. “Tôi và thầy Văn Như Cương từng đi luyện thi nói với nhau là học sinh phải nhặt điểm”- thầy Võ nói.

Một lưu ý nữa về cách trình bày là khi làm bài bên phải còn giấy nữa các em không viết mà cứ xuống dòng, vì dòng này có một phép toán đúng người ta tính điểm một phép toán. Nếu các em cứ viết dấu “=” liên tục thì chỉ cần một phép toán sai là coi như cả dòng sai, không được tí điểm nào. Lưu ý nữa là bài toán có điều kiện thì đặt điều kiện phải nhớ đối chiếu để loại nghiệm.

Đừng mang điện thoại di động vào phòng thi


Theo thầy Võ, thời điểm này các em nên chịu khó đọc lại sách giáo khoa, ôn lại lý thuyết, không làm bài tập. Ôn lại công thức không để sai cơ bản. Kiến thức cơ bản phải nắm chắc đừng có sai, dùng kí hiệu toán học cho chuẩn, suy ra khác mà tương đương khác… Không nghe ai nói gì, khiến mình hoảng lên.

“Nói thực ra thi đại học không khó đâu, chúng ta thường sợ, người ta cứ nói chọi, chọi… có gì đâu mà chọi, khi làm bài thì tập trung làm chứ chọi với ai. Các em cứ bình tĩnh phải làm bài… Nhớ nữa là đến thi thật sớm, tâm thế đàng hoàng. Có thể ngồi chờ ở gốc cây, ghế đá, đến giờ tĩnh tâm bước vào phòng thi. Nhớ chuẩn bị kĩ đồ dùng học tập bút, thước, máy tính… để làm bài và nhớ nhất không mang điện thoại di động vào phòng thi”.