Học sinh nên ăn các món có đủ chất đạm, béo, bột, vitamin muối khoáng, cũng như ăn hải sản để tăng cường trí nhớ. Những đồ ăn tốt cho sức khỏe mùa thi - theo Tiến sĩ Hoàng Kim Thanh – Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Ăn, ngủ điều độ

TS Hoàng Kim Thanh: Trong quá trình tư vấn sức khỏe mùa thi, tôi thấy học sinh hay gặp phải một số vấn đề như: Căng thẳng dẫn đến đau đầu, mất trí nhớ, run chân tay, người mệt mỏi, đau bụng…

Nguyên nhân chủ yếu là do các em ăn, uống, tập thể dục chưa điều độ, trong khi học quá nhiều, căng thẳng. Quá trình ôn tập cho đến lúc đi thi, các em nên chú ý đến việc đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Các em nên ăn thực phẩm có chất đạm, béo, bột, vitamin muối khoáng. Những chất này có trong các món ăn như trứng, tôm, cua, đậu đỗ, dầu, mỡ, bơ, vừng, lạc, rau xanh, hoa quả chín.

Các em nên ăn thực phẩm có chất đạm, béo, bột, vitamin muối khoáng

Các em nên ăn thực phẩm có chất đạm, béo, bột, vitamin muối khoáng.

Về đồ uống

Mỗi ngày, các em nên uống từ 1,5 đến 2 lít nước. Các em nên uống nhiều nước hoa quả; hạn chế uống nước có gas và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.

Nếu có điều kiện, các em cũng nên uống từ 1 – 2 cốc sữa/ngày (hoặc ăn sữa chua). Tuy nhiên, nhiều em uống đến 4 - 5 cốc sữa/ngày là không thực sự tốt.

Dù quá trình ôn thi đại học, thời gian quý như vàng, nhưng các em cố gắng đảm bảo cho giấc ngủ tối thiểu phải 6 tiếng/ngày. Học sinh cũng nên ngủ trưa trong vòng 1 tiếng để giúp các bộ phận của cơ thể, cũng như tế bào não được nghỉ ngơi, phục hồi chức năng.

Các em chỉ nên học đến 24 giờ, không nên học quá khuya. Nếu thấy đói, nên ăn nhẹ. Buổi sáng, không nên dậy trước 5 giờ sáng.

Cứ sau 45 phút ôn bài, các em nên tạm dừng, đứng lên, ra ngoài tập nhẹ để mắt được nghỉ và chân, tay… đỡ mỏi. Nếu thấy quá căng thẳng, nên uống một cốc sữa nóng, hoặc trà nóng (nên uống trà tâm sen), nghỉ khoảng 15 đến 30 phút rồi tiếp tục ngồi vào bàn.

Trong quá trình luyện thi đại học kéo dài, nhiều phụ huynh lo lắng, bắt con uống các loại thuốc bổ “tăng lực”. Tuy nhiên, bố mẹ không nên bắt các em tự uống thuốc như vậy, tốt nhất là cứ để các em phát triển tự nhiên. Còn nếu muốn uống thuốc, nhất thiết phải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hôm trước ngày thi rất quan trọng. Các em nên nghỉ ngơi thoải mái, không uống các chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Nên đi ngủ sớm, ngủ đẫy giấc (nên đi ngủ từ 21 - 22 giờ). Nếu muốn ôn bài, thì chỉ nên xem lướt qua.

Buổi sáng hôm thi, các em nên ăn sáng bằng đồ tươi, sạch, tránh ăn quá no, tốt nhất là ăn ở nhà để đảm bảo vệ sinh.

Tránh tự gây áp lực

Bà Trịnh Thị Bích Liên – Trung tâm Tư vấn Tình cảm Linh Tâm: Những lúc không thể tập trung, bị áp lực, ức chế vì không làm được bài, tốt nhất là các em nên dừng lại, nghỉ ngơi. Không nên “cố đấm ăn xôi” vì như thế chẳng khác nào đâm đầu vào đá.

Nếu thấy căng thẳng quá, các em có thể thư giãn tại chỗ bằng cách ngừng đọc, nghĩ đến điều gì đó giúp mình vui vẻ: Thích nghe nhạc thì mở một ca khúc, đam mê hát thì cất lên một câu nào đó, hay gọi điện cho bạn thân để nói chuyện…

Nhiều em bị bố mẹ hoặc tự mình gây áp lực là phải đỗ bằng được đại học, trong khi sức mình có hạn. Để tránh tình trạng này, các em nên chuẩn bị cho mình mục tiêu kế cận thấp hơn như chọn vào trường cao đẳng, trung cấp phù hợp với năng lực. Đại học không phải là con đường duy nhất.

Tất nhiên, ở mỗi hoàn cảnh, mỗi con người sẽ có biện pháp khác nhau để "cởi" áp lực, nhưng nói chung, có hai hướng chính là tìm nguồn động viên, chia sẻ của những người xung quanh và nỗ lực của chính bản thân.

Khi gặp khó khăn, áp lực, các em nên thẳng thắn tâm sự với bố mẹ, người thân để được chia sẻ, cùng tìm cách giải quyết tốt nhất.

Cùng với đó, các em cũng phải nỗ lực. Các em không nên quá cầu toàn, tạo ra những áp lực không cần thiết, khi đặt ra những mục tiêu quá sức và duy nhất. Có thể tạo cho mình những bước lùi, “dây bảo hiểm” như trung cấp, cao đẳng… sẽ tạo cho bản thân sự tự tin hơn.

Trong thực tế, nhiều em gặp chuyện không vui như bố mẹ lục đục, khiến buồn, nghĩ ngợi nhiều. Những lúc như thế, các em không nên gồng mình lên, không nên “diễn” là mình cứng rắn để rồi sống không đúng với bản thân. Nếu muốn khóc, hãy cứ khóc cho thoải mái, không việc gì phải kìm nén. Nếu yếu đuối, cứ bộc lộ yếu đuối của mình, sống thật với mình, chứ đừng nên gồng mình lên để rồi cảm xúc dồn nén.

Nhiều em tâm sự đi thi quá lo lắng. Lo âu không phải trạng thái xấu. Ở một khía cạnh nào đó, tâm trạng lo lắng cũng là động lực, hối thúc nhất định để có được tâm thế tích cực hơn.

Tuy nhiên, lo âu sẽ không tốt khi nó thái quá. Những lúc như thế, các em nên “hướng ngoại”: nghĩ tới những điều tốt mà mình thích và phải có niềm tin rằng mình sẽ làm tốt.

Nguồn: Sưu tầm