Kỹ năng làm bài thi môn Lịch Sử khối C
Để có thể làm tốt bài thi môn Lịch Sử trong kỳ thi ĐH-CĐ, các thí sinh luyện thi đại học khối C có thể tham khảo các chỉ dẫn sau của giáo viên môn Lịch Sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).
Phân tích đề
Việc xác định đề thi sai sẽ dẫn đến làm xa đề, lạc đề, mất điểm, thậm chí nếu tệ hại sẽ không có điểm nào. Thí sinh phải bình tĩnh đọc thật kỹ đề thi, đọc kỹ từng câu chữ và xác định mục đích, yêu cầu của đề ra xem đề hỏi vấn đề gì? Kiến thức của câu các câu hỏi thuộc phần nào trong chương trình? Thời gian và không gian của vấn đề hay sự kiện gì? Các câu trong đề yêu cầu?.
Theo thông báo của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 không quá khó, không quá phức tạp, không ra vào những phần giảm tải. Đề thi sẽ có những câu ra theo hướng mở đề rèn luyện kỹ năng thông hiểu, vận dụng của thí sinh nhằm góp phần điều chỉnh dần cách dạy, cách học ở bậc học phổ thông.
Đề thi có những câu dễ (kỹ năng nhận biết) để thí sinh có lực học trung bình có thể làm được, có những câu tương đối khó dành cho thí sinh có học lực khá, có câu khó giành cho những thí sinh giỏi và xuất sắc. Vì vậy, trước khi làm, thí sinh phải đọc và phân tích kỹ đề thi để xác định yêu cầu của các câu thuộc “đề nổi” hay “đề chìm”, câu khó hay dễ sau đó mới lập dàn ý sơ lược vào giấy nháp.
Các thí sinh cần lưu ý, trong phần thi tự chọn ở kiến thức lịch sử thế giới, trước khi quyết định chọn câu 4a (theo chương trình chuẩn) hay 4b (theo chương trình nâng cao) phải suy nghĩ thật chắc chắn. Phần kiến thức này, yêu cầu thí sinh chỉ được phép chọn 1 trong 2 câu có thang điểm như nhau. Dù các em có làm được và làm xong cả 2 câu tự chọn thì phần thi đó coi như bị phạm quy. Sau khi phân tích và quyết định chọn câu nào theo khả năng và sở trường của mình, thí sinh nhanh chóng làm công việc tiếp theo là lập đề cương sơ lược vào giấy nháp.
Làm đề cương sơ lược
Sau khi xác định được đúng yêu cầu của đề, thí sinh phải lập dàn ý (hay đề cương sơ lược) vào giấy nháp bằng những tiểu mục, gạch đầu dòng hay sơ đồ hóa kiến thức (sơ đồ tia) theo từng phần, từng câu hỏi của đề thi. Trong quá trình tự học ở nhà và trải qua nhiều lần thi thử, kỹ năng này nếu được thực hiện một cách tự giác và nghiêm túc sẽ giúp thí sinh có khả năng chủ động và độc lập tư duy trong học tập và thi cử. Ngược lại, nếu thí sinh không rèn luyện kỹ năng này, viết trực tiếp vào bài thi sẽ thường bị thiếu hay thừa kiến thức, hoặc các ý trong từng câu trong đề thì thường lộn xộn, dẫn đến tình trạng tẩy xóa một cách bị động khi trình bày.
Phân bố kiến thức và thời gian hợp lý cho từng phần, từng câu hỏi của đề thi
Thời gian làm bài thi tuyển sinh đại học, cao đẳng môn Lịch Sử là 180 phút, theo hình thức thi tự luận. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề thi môn Sử năm 2013 gồm có 2 phần: Phần chung cho tất cả thí sinh (phần bắt buộc), gồm 3 câu với tổng điểm là 7,0 và Phần riêng (phần tự chọn) với tổng điểm là 3,0 điểm, có 2 câu tự chọn, thí sinh chỉ được làm 1 trong 2 câu.
Với cấu trúc đề thi đi in rõ ràng trên đề thi của thí sinh, buộc các em khi bắt đầu làm bài thi phải lấy thời gian làm bài 180 phút chia cho từng thang điểm. Tương xứng với những phần kiến thức nhiều điểm (phần lịch sử Việt Nam) hay ít điểm (phần lịch sử thế giới), thí sinh sẽ phải căn chọn thời gian làm bài và lưu lượng kiến thức, ký tự phù hợp.
Khi làm bài, thí sinh không nhất thiết phải làm theo thứ tự câu hỏi trong đề thi. Phần kiến thức nào, câu nào dễ thì làm trước, khó làm sau. Khi làm, thí sinh nên lưu ý rằng, đã làm câu phần nào, câu nào thì phải làm cho xong, tránh hiện tượng “nhảy cóc” trong bài làm, câu này chưa xong lại làm sang câu khác. Sự chắp vá và tủn mủn về kiến thức giữa các câu trong bài thi sẽ tạo nên một cảm giác khó chịu cho giám khảo trong quá trình chấm.
Yêu cầu tối quan trọng cho các thí sinh khi làm bài là cần đi thẳng vào vấn đề, không viết lan man, dài dòng, tránh vòng vo dẫn đến hậu quả thí sinh sẽ mất nhiều thời gian, xa đề và lạc đề. Đây là lỗi phổ biến của nhiều thí sinh khi làm bài thi môn Sử tuyển sinh vào đại học, cao đẳng vì nhiều em có một quan điểm rất sai lầm khi cho rằng khi làm bài nhiều chữ, nhiều trang sẽ nhiều điểm, “thà thừa hơn thiếu”, “thà viết nhầm hơn bỏ sót”…
Tuy nhiên, môn Sử cũng như các môn khoa học xã hội khác, thí sinh khi trình bày bài thi nên có 3 phần rõ ràng là mở bài, thân bài và tiểu kết cho mỗi câu để tránh trình bày kiến thức theo kiểu cụt lũn. Khi trình bày giữa các ý trong từng câu của đề thi phải rõ ràng, mạch lạc. Hết các ý lớn nên xuống hàng, không nên trình bày gộp.
Tránh nhầm lẫn kiến thức và sự kiện cơ bản
“Nguyên tắc vàng” của khoa học lịch sử là tái hiện lại quá khứ của nó. Khi làm bài thi môn Sử, thí sinh không được trình bày theo kiểu nhớ “mang máng” kiến thức và “sáng tác” thêm sự kiện.
Kiến thức lịch sử thường có 2 bộ phận: hiện thực lịch sử và nhận thức lịch sử.
Các thí sinh phải luôn nhớ rằng, Lịch Sử là môn thi tuyệt đối “kỵ”với những hiểu biết ngây ngô, với các khái niệm mơ hồ và sự sai sót, nhầm lẫn, thậm chí “viết lại” đến mức xuyên tạc, bóp méo về kiến thức và sự kiện lịch sử.
Ví dụ: thí sinh không được nhớ nhầm các khái niệm, thuật ngữ cơ bản giữa “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” (2/1930) với “Luận cương chính trị” (10/1930), “Mặt trận dân tộc thống nhất” với “Mặt trận thống nhất dân tộc”…, hiểu và viết lẫn lộn từ “đấu tranh” với “chiến đấu”, “khởi nghĩa” với “chiến tranh”, “đại hội” với “hội nghị”, “hội nghị” với “hiệp định”…
Đối với những sự kiện lịch sử mà thí sinh không nhớ được chính xác thời gian và không gian cụ thể thì các em không nên ghi cho có mà nên liên hệ các sự kiện khác trong cùng một giai đoạn đó để xác định được mốc thời gian tương đối của sự kiện.
Nếu không ghi được ngày tháng cụ thể thì chỉ ghi năm, không nhớ chính xác thì cho biết sự kiện đó diễn ra mùa nào trong năm, khoảng đầu, giữa hay cuối năm. Không nhớ được chính xác được địa danh làng, xã, huyện thì cũng phải nhớ đến địa danh tỉnh, vùng của nơi xảy ra sự kiện đó. Khi chấm, các giám khảo vẫn có thể linh động cho điểm cho phần trả lời.
Điều chúng tôi xin lưu ý với các thí sinh khi làm bài môn Sử rằng, bản chất của khoa học lịch sử nếu nêu sự kiện lịch sử mà không xác định được mốc thời gian xảy ra sự kiện đó thì không còn gọi là lịch sử nữa. Nếu không nhớ được địa điểm diễn ra sự kiện thì thí sinh cũng phải xác định được thời gian của sự kiện đó.
Ví dụ: Có thể, các em không nhớ được ngày tháng của sự kiện ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, thì thí sinh cũng có thể viết “Mùa hè năm 1911, Nguyễn Tất Thành…”; Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc vào ngày 28/1/1941 sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài thì thí sinh cũng có thể viết “Mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc…”.
Đối với những sự kiện điển hình của lịch sử dân tộc đánh dấu những thắng lợi mang tính bước ngoặt của tiến trình lịch sử, thí sinh không được nhầm hoặc võ đoán theo kiểu ước lượng “khoảng” như các sự kiện: 3/2/1930, 30/4/1975, 7/5/1954, 21/7/1954, 2/9/1945, 19/12/1946… hay nhầm tên các kiến thức, sự kiện lịch sử như: Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) với Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (15/8/1945); chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) với “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972); Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) với Hiệp định Pari (27/1/1973); Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 với Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975…
Trong phần lịch sử thế giới: Khi làm bài, thí sinh tránh nhầm lẫn giữa các tổ chức quốc tế như: ASEAN với SEATO, VASAVA với SEV, EU với UN, APEC với OPEC…, Tây Âu với Đông Âu, Đông Bắc Á với Đông Nam Á, các hội nghị quốc tế (Hội nghị Ianta với Hội nghị Sanphranxico), cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại ở thập kỷ 40 của thế kỷ XX với cuộc cách mạng khoa học - công nghệ nửa sau thế kỷ XX…
Trình bày bài thi
Ngoài nội dung kiến thức của bài thi là nhân tố mang tính chất quyết định điểm số bài thi, đối với các môn khoa học xã hội với hình thức thi tự luận thì đây cũng là một kỹ năng góp phần quan trọng mà các thí sinh thi vào đại học, cao đẳng không nên xem thường hay chủ quan. Nhận thức đề đúng, đề xuất luận điểm hợp lý, có kiến thức phong phú chưa đủ để bài thi môn Sử có kết quả cao nhất. Giá trị của một bài thi không chỉ thể hiện ở phần nội dung mà còn ở cả phần hình thức trình bày.
Kiến thức lịch sử thường khô khan. Muốn có một bài thi Lịch Sử đúng, hay và đạt điểm cao, thí sinh phải biết trình bày những hiểu biết của mình với diễn đạt lưu loát, rõ ràng ý, chữ viết sạch sẽ và dễ đọc, không mắc những lỗi chính tả và tẩy xoá thông thường. Khả năng trình bày kém và cẩu thả sẽ gây sự mất thiện cảm đối với các giám khảo trong quá trình chấm.
Điều cuối cùng, xin được khắc sâu với các thí sinh trong giai đoạn nước rút rằng, dù Bộ GD-ĐT đã ban hành và thực hiện phân phối chương trình giảm tải sách giáo khoa Lịch Sử 12, nhưng quá trình học và ôn, tuyệt đối các em không nên học tủ theo kiểu duy tâm, đoán mò phần thi, kiến thức của đề thi năm nay so với năm trước. Có thể vấn đề năm ngoái đã ra rồi, năm nay cũng có thể ra nữa nhưng ở dạng câu hỏi khác mang tính chất liên quan.
Và dù là các câu hỏi trong đề thi có yêu cầu hay không, khi muốn làm bài thi đạt kết quả cao, các thí sinh vẫn phải vận dụng nhiều thao tác trong một bài làm ở thao tác (trình bày, chứng minh, phân tích, so sánh, nhận xét…), điều quan trọng là phải xác định thao tác nào là chính, thao thác nào là hỗ trợ. Những luận điểm chính của câu hỏi thường nằm ở thao tác chính, những thao tác bổ trợ sẽ làm cho nội dung bài thi hoàn chỉnh và trọn vẹn.
Thảo luận: