Đỗ thủ khoa khối A1 Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội với điểm số 28 điểm, em Vũ Hoài Sơn (học sinh lớp 12 Chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết phần lớn thời gian em dành để ôn thi qua mạng, luyện thi đại học qua mạng.
Niềm vui bất ngờ khi được báo tin đỗ thủ khoa
Trong khi gia đình Hoài Sơn còn chưa hay biết thông tin gì điểm thi đại học, thì cuộc thoại của PV Dân trí gọi đến để liên hệ phỏng vấn cũng chính là cuộc điện thoại đầu tiên thông báo điểm thi thủ khoa khối A1 - Trường Đại học Ngoại thương cho em.
Trò chuyện cùng PV Dân trí, Hoài Sơn như vỡ òa: “Sau khi nhận được cuộc điện thoại ấy, em lập tức mở mạng ra xem thì dường như không tin đó là sự thật! Tên tuổi em nằm ở trên mặt báo rồi! Thật là bất ngờ bởi sau khi thi xong, em nghĩ chắc chắn mình sẽ đỗ vào ĐH Ngoại thương, chứ không ngờ điểm lại cao như vậy, mà lại là thủ khoa khối A1…”.
Em Vũ Hoài Sơn, học sinh lớp 12 Chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đỗ thủ khoa khối A1 - Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội với 28 điểm. Trong đó, Toán: 8,5; Lý: 9,5 và Anh Văn: 9,75 điểm.
Còn mẹ của Hoài Sơn - bà Phạm Thị Thanh Hương (41 tuổi) không giấu được sự vui mừng, nói: “Tối hôm đó khi gia đình đang ăn cơm thì nhận được điện thoại của PV Dân trí, ban đầu vợ chồng tôi rất lo lắng vì tưởng cháu Sơn bị vi phạm điều gì, nhưng không ngờ đó là cuộc điện thoại báo tin vui cho gia đình! Nhận được tin con đỗ thủ khoa của khối, cả nhà 4 - 5 người ai nấy đứng bật dậy như vỡ òa, bữa cơm tối cũng vì thế mà dở dang… nhưng lạ thay ai cũng có cảm giác như đã được “ăn no” rồi…!”.
Thông tin em Vũ Hoài Sơn ở tận cao nguyên Đắk Lắk đỗ thủ khoa khối A1 - Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội với điểm số 28 điểm ngay sau đó được truyền đi rất nhanh. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi bạn bè, thầy cô ở trường THPT Chuyện Nguyễn Du - nơi Hoài Sơn theo học đã gửi hàng chục tin nhắn qua điện thoại và cả trên Faceboook của Hoài Sơn để chúc mừng, điện thoại của em hôm đó cũng đổ chuông không ngưng nghỉ.
Hoài Sơn (thứ 3 tính từ bìa trái) cùng thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Văn Quang (mặc áo ấm đen) và các bạn trong lớp.
Tâm sự với PV Dân trí, Hoài Sơn cho biết ngoài việc dự thi khối A1 ngành Kinh tế đối ngoại - Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, em còn đăng ký dự thi khối D vào ngành Kiểm toán - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi thi xong khối A1, Sơn đã tìm đáp án của Bộ GD-ĐT để dò kết quả và tính toán mình sẽ đạt 27,5 điểm, nên đã quyết định không tiếp tục dự thi vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, mà cùng bố mẹ về Thái Bình thăm quê ngoại.
“Em quyết định không thi khối D nữa là vì sau khi dò đáp án, em biết mình sẽ đạt 27,5 điểm, đây là điểm số em đã trừ hao. Năm ngoái điểm chuẩn ngành Kinh tế đối ngoại - Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội là 24 điểm, nên em nghĩ với điểm số đó, không có lý do gì mà em không đỗ vào trường. Với lại khi đó, bà ngoại ở quê Thái Bình bị bỏng nên em quyết định cùng bố mẹ về thăm ngoại sớm…”, Hoài Sơn cho biết.
Bí quyết luyện thi đại học qua mạng
Trong một lần đọc báo, Hoài Sơn vô tình đọc được một bài viết về một cựu thủ khoa đại học chia sẻ về cách ôn thi qua mạng nên đã bắt chước học theo. Trang mạng mà Hoài Sơn đã lui tới đóng tiền “mua đề” luyện thi ròng rã trong một năm qua là trang moon.vn. Trò chuyện với chúng tôi, Hoài Sơn tâm sự, em bắt đầu tham gia luyện thi đại học qua mạng từ đầu năm lớp 12, với 3 môn chủ chốt để thi đại học là Toán, Lý và Anh văn. Theo Sơn, do cách luyện thi qua trang này khá hiệu quả, đề thi đa dạng, phong phú nên em đã dành thời lượng ôn thi mỗi ngày là hơn 60% thời gian.
“Để luyện thi qua mạng đòi hỏi người học phải nắm vững kiến thức cơ bản ở trên lớp, hoàn thành các bài tập trong sách giáo khoa rồi sau đó mới phát triển dần lên bằng cách tìm các đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng “có chất lượng” ở trên mạng để giải”, Hoài Sơn nói về điều kiện cần trước khi ôn thi qua mạng.
Clip thủ khoa Vũ Hoài Sơn chia sẻ phương pháp học:
Theo Hoài Sơn, luyện thi đại học ở trên mạng sẽ có nhiều ưu điểm như: tiết kiệm được tiền bạc; người học có thể tự chủ về mặt thời gian; nội dung luyện tập, phong phú, đa dạng về các dạng bài tập, các chuyên đề, bộ đề…
“Học qua mạng có cái hay là người học sẽ được bổ sung những phần nào mình còn thiếu, còn yếu. Nếu mình học yếu ở phần nào, chương nào... thì đăng ký ôn thi ở phần đó, chương đó. Nội dung học rất hay, và đặc biệt là bám sát chương trình”, Sơn chia sẻ.
Hoài Sơn cũng cho biết, sau một thời gian học qua mạng, vào tháng 12/2012, em đã tham gia một cuộc thi giải đề Vật lý và đã giành giải nhất khi khi làm đúng 47/50 câu trắc nghiệm (đề ra có cấu trúc như đề thi đại học). Với kết quả này, Hoài Sơn đã vượt qua gần 200 thí sinh khác, được tặng 1 triệu đồng trong tài khoản của trang (dùng để mua bộ đề), và 1 triệu đồng tiền mặt.
Chia sẻ về bí quyết làm bài thi đạt điểm cao, tân thủ khoa khối A1 Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tâm sự: “Khi làm bài thi trắc nghiệm bao giờ em cũng làm câu dễ trước rồi mới làm câu khó sau, và tuyệt nhiên khi đã làm câu nào thì phải chắc câu đó. Nếu gặp câu nào khó quá thì cuối giờ nên chọn đại một câu có khả thi nhất chứ nhất quyết không để trống, vì biết đâu đó sẽ gặp may mắn!”.
Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, trước khi nộp bài, điều tiên quyết là phải dò lại bài, số báo danh, mã đề thi (trắc nghiệm) và “rà” lại trong bài thi xem câu nào còn sót thì bổ sung.
Vũ Hoài Sơn cùng các bạn trong lớp Chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Được biết, Hòai Sơn còn là lớp trưởng 3 năm liên tiếp, ngoài thành tích học tập "đáng nể", Hoài Sơn còn rất giỏi đá cầu và hát nhạc Tiếng Anh rất “cừ”.
Viết Hảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thu-khoa-pho-nui-chia-se-bi-quyet-luyen-thi-qua-mang-759283.htm
Thảo luận: