Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển vừa ký công văn gửi các Sở Giáo dục hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đối với môn Ngữ văn. Theo đó, ngày 1/4, Bộ Giáo dục đã có văn bản hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp, trong đó có nội dung "Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn".

Thứ trưởng khẳng định, việc thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 thực hiện theo hướng đánh giá năng lực học sinh nhưng ở mức độ phù hợp. Cụ thể là tập trung đánh giá hai kỹ năng quan trọng: kỹ năng đọc hiểu văn bản và kỹ năng viết văn bản. Đề thi gồm hai phần: đọc hiểu và viết (làm văn), trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu.

DSC-0819-JPG-3633-1397554772.jpg
Các kỹ năng viết phải đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp, viết theo phong cách ngôn ngữ viết, sử dụng từ và cấu trúc ngữ pháp trong bài viết, lập dàn ý và phát triển ý, bộc lộ quan điểm, tư duy một cách độc lập… Ảnh: HH.

Để làm tốt phần đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh nắm được thế nào là hiểu một văn bản; các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu; lựa chọn những văn bản phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh để làm tài liệu hướng dẫn đọc hiểu; xây dựng các loại câu hỏi và hướng dẫn chấm một cách phù hợp với mục đích và đối tượng học sinh.

Các câu hỏi phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản. Học sinh cũng phải có hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản và một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản cũng như tác dụng của chúng.

Để làm tốt phần thi viết, giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết vận dụng những kỹ năng viết đã học để tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc tác phẩm, trích đoạn văn học nào đó theo hướng mở và tích hợp trong môn và liên môn, tập trung vào một số khía cạnh như tri thức về văn bản viết (kiểu loại văn bản, cấu trúc văn bản, quá trình viết), nhận thức đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề văn.

Các kỹ năng viết phải đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ viết, sử dụng từ và cấu trúc ngữ pháp trong bài viết, lập dàn ý và phát triển ý, bộc lộ quan điểm, tư duy một cách độc lập…Học sinh cũng phải có khả năng viết các loại văn bản phù hợp với mục đích, đối tượng, hoàn cảnh của các tình huống khác nhau, vận dụng vào thực tiễn học tập và đời sống.

Đối với bài viết nghị luận văn học, kỳ thi tốt nghiệp năm nay vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình và sách giáo khoa nhưng sẽ đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề nhằm khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép nguyên si tài liệu. Bài viết của học sinh được đánh giá dựa vào chuẩn kỹ năng viết nói chung và chuẩn kỹ năng viết kiểu văn bản nói riêng mà đề bài yêu cầu, phù hợp với các giá trị nhân văn, những chuẩn mực đạo đức và pháp luật; không áp đặt nội dung chi tiết cần đạt.

"Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ được tiến hành theo một lộ trình từ dễ đến khó, ít đến nhiều, đơn giản đến phức tạp, từ kiến thức của một vài môn đến tổng hợp liên môn, nhiều lĩnh vực..., tiếp cận dần đến việc đổi mới hoàn toàn theo chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015", Thứ trưởng Hiển cho hay.

Hoàng Thùy

Nguồn tin: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-giao-duc-huong-dan-on-thi-ngu-van-theo-dang-de-moi-2978295.html