Theo nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nếu thí sinh bày tỏ khâm phục hành động dũng cảm quên mình cứu người của Nam, song không thể học tập vì không biết bơi, hay nghĩ đến bố mẹ... thì vẫn nên cho điểm.

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT công bố hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp các môn. Với câu hỏi bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm của học sinh Nguyễn Văn Nam khi lao xuống dòng nước cứu sống 5 học sinh rồi bị dòng nước cuốn trôi khi kiệt sức. Bộ hướng dẫn giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.

Nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lý thì vẫn được chấp nhận. Nếu có kỹ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa. Giáo viên không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.

Thi tốt nghiệp THPT 2013: Đề thi Văn mở thì cách chấm cũng phải mở

Thí sinh sau giờ thi tốt nghiệp 2013. Ảnh: Hoàng Hà.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chấm thi môn Văn và làm Chủ tịch Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT, thầy Đặng Đình Đại, nguyên hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) nhận xét, với hướng dẫn chấm thi trên, nhiều giáo viên sẽ băn khoăn bởi không biết nên hiểu như thế nào là suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. "Giá như Bộ đưa ra hướng dẫn chi tiết về vấn đề này thì người chấm sẽ dễ dàng hơn", thầy Đại nói.

Nhà giáo ưu tú này kể, sau khi thi có nhiều học sinh và phụ huynh đã gặp thầy để hỏi liệu có được điểm khi viết rất khâm phục và ca ngợi hành động của Nam, nhưng do không biết bơi nên không thể làm theo. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến trái chiều cũng được đưa ra xoay quanh hướng dẫn chấm thi ý cuối cùng "học theo tấm gương của Nguyễn Văn Nam".

Theo thầy Đại, với những tình huống này thí sinh vẫn được điểm nhưng không đạt điểm tối đa của câu hỏi đó. Ngoài ra, cần hiểu ý nghĩa của đề thi là hướng thí sinh đến việc học tập sự dũng cảm và tấm lòng nghĩa hiệp của Nam. Điều này thể hiện ở nhiều việc cụ thể trong cuộc sống chứ không phải rập khuôn, máy móc.

Thầy diễn giải, trong cuộc kháng chiến của dân tộc cũng chỉ có một Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, một Lê Văn Tám tự biến mình thành đuốc sống lao vào phá hủy một kho xăng của quân địch, một Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo... Thế nhưng, họ đã trở thành biểu tượng anh hùng cách mạng về sự kiên cường, bất khuất và anh dũng. Thanh niên Việt Nam thời ấy coi họ là tấm gương nhưng không học tập rập khuôn máy móc mà sục sôi khí thế cách mạng và lòng yêu nước bất khuất, không ngại gian khó. Nhờ đó mà đất nước đã đánh đuổi được mọi kẻ thù.

Thầy Đại dự đoán, khoảng 50% thí sinh sẽ có bài viết không đúng ý như hướng dẫn chấm thi. Trường hợp này cần gạn đục khơi trong, tìm ý cho điểm để tránh việc thí sinh mất trắng điểm câu này. Với những bài viết có ý kiến trái chiều, các giáo viên cần thảo luận với đồng nghiệp, tổ trưởng tổ chấm hoặc thanh tra để có kết luận đúng nhất. Bởi đề thi đã mở thì cách chấm cũng phải mở và linh hoạt.

"Vào những năm đầu tiên có đề thi mở, chúng tôi thường chấm thử để tập huấn cho giáo viên. Tôi cố ý chọn những bài viết có ý kiến khác với hướng dẫn để giáo viên chấm chung. Từ đó, họ sẽ vỡ ra rằng dù không có trong barem nhưng ý của học trò vẫn có thể cho điểm", thầy Đại chia sẻ.

Thầy Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thì cho rằng đề thi được ra với mục đích hướng học sinh đến những hành động tốt đẹp, vì mọi người. Nếu thí sinh viết hành động đó là tầm thường, dại dột thì suy nghĩ, đạo đức của thí sinh đó đang bị lệch lạc. Khi có những ý nghĩ trái với chuẩn mực đạo đức thì dù có lập luận chặt chẽ đến đâu cũng chỉ là cách nghĩ ích kỷ, bảo thủ.

"Đề mở và cho phép thí sinh viết mở nhưng phải trong khuôn khổ và theo chuẩn mực chứ không thể thích viết gì thì viết", thầy Nhĩ nói.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, đề ra mở thì sẽ có hướng dẫn chấm mở. Thí sinh sẽ có nhiều ý kiến, nhưng dù quan điểm thế nào thì phải lập luận chặt chẽ, thuyết phục dựa trên những chuẩn mực về đạo đức.

Kiều Trinh - VnExpress.net