Điểm sàn đại học 2013 sẽ tăng?
Đến thời điểm này, đã có hơn 240 trường ĐH, CĐ công bố điểm thi tuyển sinh 2013. Điểm thi của các trường đều cao nên dự kiến điểm chuẩn tăng hơn năm trước, thậm chí có trường dự kiến tăng điểm chuẩn lên 7,5 điểm. Vậy, điểm sàn có thay đổi so với năm trước?
Có trường dự kiến tăng điểm chuẩn lên 7,5 điểm
Đến chiều ngày 30/7, cả nước đã có hơn 240 trường ĐH, CĐ công bố điểm thi, hầu hết các trường dự kiến đều tăng điểm chuẩn. Trường thấp nhất là tăng 1 điểm, trường nhiều nhất tăng lên tới 7,5 điểm.
Điển hình nhất là trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM dự kiến điểm chuẩn năm nay tăng mạnh. Cụ thể như ngành Kỹ thuật phần mềm lấy cao nhất với 27,5 điểm, tăng 7,5 điểm so với năm trước; ngành Mạng máy tính và thông tin lấy 25,0 điểm tăng 5 điểm so với năm trước, các ngành còn lại đều tăng 4,5 điểm (tất cả các ngành đều đã nhân hệ số 2 môn Toán).
ĐH Bách khoa Đà Nẵng dự kiến điểm chuẩn cao hơn so với năm trước từ 4 - 5 điểm. Trong đó, có thể kể đến các ngành Công nghệ sinh học (điểm chuẩn ngành năm ngoái là 15,5 điểm, nhưng năm nay có thể lên đến 21 điểm); Công nghệ thực phẩm (điểm chuẩn năm 2012 là 15,5 điểm, năm nay có thể là 21,5 điểm); các ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin cũng dự kiến mức tăng tương đương.
ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM, dự kiến điểm chuẩn các ngành đều tăng từ từng ngành mà tăng từ 0,5 đến 4,5 điểm, ngành cao nhất là 23 điểm và thấp nhất là 16 điểm.
ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội còn dự kiến điểm chuẩn khối A, A1 và B có thể tăng tới 5 điểm so với năm trước.
ĐH Phòng cháy Chữa cháy cũng tăng 5 điểm chuẩn khi năm nay dự kiến điểm trúng tuyển là 22,5 đối với nam, 24,5 đối với nữ ở phía Bắc và 20,5 đối với nam và 22,5 đối với nữ ở phía Nam.
ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến điểm chuẩn vào các ngành sẽ tăng từ 2 - 3 điểm. Trường cũng dự kiến sẽ không có khối ngành nào lấy điểm chuẩn dưới 20 điểm. Cụ thể điểm chuẩn dự kiến vào khối ngành Kỹ thuật (hệ cử nhân Kỹ thuật/kỹ sư - thi khối A, A1) cao nhất là 24,5 điểm, thấp nhất là 21 điểm; khối ngành Kinh tế - Quản lý (KT6) dự kiến điểm đầu vào: khối A 22 điểm, khối A1: 21 điểm và khối D1: 20 điểm; ngành Ngôn ngữ Anh (thi khối D1, tiếng Anh nhân hệ số 2): dự kiến từ 28-28,5 điểm; khối ngành Công nghệ kỹ thuật (hệ Cử nhân công nghệ - thi khối A, A1), điểm dự kiến cao nhất là 21, thấp nhất 20.
Điểm sàn có thay đổi?
PGS.TS Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ Địa chất cho biết, năm nay đề thi hay, điểm thi của thí sinh cao nên dự kiến điểm chuẩn của các trường tăng là đúng.
Trước câu hỏi điểm thi cao liệu điểm sàn có tăng hơn so với năm 2012, ông Thắng cho rằng; "Đề thi dễ, điểm thi của thí sinh cao tạo điều kiện rất tốt cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên lấy mức điểm sàn như năm 2012 là hợp lý vì như vậy các trường ngoài công lập mới có cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu".
Ông Phạm Văn Bổng - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, điểm thi của thí sinh năm nay cao nhưng số lượng thí sinh dự thi năm nay lại giảm hơn năm trước. Do đó, điểm sàn chỉ có thể bằng hoặc cao hơn năm trước một chút.
Về phía các trường ĐH ngoài công lập, GS Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình đề nghị: “Điểm sàn năm nay Bộ nên giữ nguyên như năm 2012 thì các trường mới có đủ nguồn để tuyển”.
Ví điểm sàn như bài toán khó, GSTrần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải phòng cho rằng: “Các trường dự kiến điểm chuẩn cao, thuận lợi cho các trường tốp dưới. Việc xây dựng điểm sàn như thế nào là quyết định của Bộ GD-ĐT nhưng Bộ làm thế nào để năm nay các trường ngoài công lập tuyển đủ chỉ tiêu vì đây là một bài toán khó”.
PGS Vũ Văn Hóa - phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kiến nghị: “Bộ GD-ĐT nên giữ điểm sàn như năm trước như vậy các trường ĐH ngoài công lập mới tuyển được thí sinh”.
Thảo luận: