Điểm sàn đại học 2013: Chưa có phương án tối ưu hơn điểm sàn
Là "cha đẻ" của điểm sàn, nguyên Thứ trưởng GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, gần 10 năm qua, điểm sàn đã làm tốt vai trò, có thể nó đã hoàn thành sứ mệnh nhưng cần phải có phương án tối ưu hơn.
- Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ điểm sàn vì nó không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Là người khởi xướng ra phương pháp chọn lựa thí sinh vào đại học, ông suy nghĩ thế nào?
Điểm sàn được áp dụng từ năm 2005 sau khi cả nước thi ba chung được 3 năm. Điểm này vừa đảm bảo tính chủ động của các trường, vừa thể hiện tính minh bạch, công khai, kỷ cương và dân chủ trong tuyển sinh, khi các trường đại học chưa có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu học tập của toàn bộ học sinh tốt nghiệp THPT và theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đất nước.
Mỗi năm có khoảng 1,5 triệu thí sinh dự thi đại học, cao đẳng, nếu không có điểm sàn thì khó có chuẩn để đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu của hệ thống giáo dục đại học. Điểm sàn cũng đảm bảo được tính cạnh tranh công bằng giữa các thí sinh, giúp quá trình giám sát của cơ quan quản lý dễ dàng hơn.
Quá trình xác định điểm sàn phải nhờ công nghệ thông tin, toán học để xử lý dữ liệu thống kê. Đội ngũ chuyên gia sau khi tập hợp số liệu chấm thi toàn quốc cho từng môn, khối ngành, tổ hợp các chế độ ưu tiên thì đề xuất các mức điểm sàn khác nhau… Cuối cùng Hội đồng điểm sàn phân tích và quyết định mức điểm sàn cụ thể đảm bảo các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Thực tế, điểm sàn không có tác dụng đối với các trường đại học, cao đẳng tốp trên nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến các trường tốp giữa và tốp dưới. Thậm chí, có lúc nó quyết định đến sự vận hành, hoạt động, tồn tại của những trường này.
Theo tôi, học sinh muốn vào học đại học thì phải qua thi cử và xét tuyển. Đó phải là người có đủ kiến thức, năng lực, và điểm sàn là một yếu tố đảm bảo chất lượng ban đầu. Có thể điểm sàn hiện tại đã hoàn thành sứ mệnh nhưng muốn thay thế nó thì cần có một phương án khả thi hơn. Trong đó cần làm tốt công tác tự chủ, thanh tra, giám sát.
- Một đề xuất khác đã đưa ra hai mức điểm sàn giúp các trường khó tuyển sinh có đủ chỉ tiêu. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
Tôi ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT chưa quyết định phương án 2 mức điểm sàn. Chỉ nên xác định một mức vì đó là nguyên lý đảm bảo quản lý thống nhất về chất lượng đầu vào tối thiểu trong tính đa dạng của hệ thống đào tạo giáo dục đại học. Đồng thời, đó cũng là tiếng nói bình đẳng của các trường công lập và ngoài công lập.
Việc ra đề thi và kết quả làm bài thi của thí sinh ảnh hưởng đến mức điểm sàn. Vì vậy đề thi phải có tính phân loại cao, không quá khó, không đánh đố, không ra vào những nội dung chưa học hoặc đang tranh luận về mặt khoa học. Để giúp các trường khó tuyển, khi quyết định mức điểm sàn, không nên quá “cứng” vì điểm trúng tuyển của thí sinh được xét kết quả từ trên cao xuống thấp đến mức trên sàn. Chỉ cần xê dịch 0,5 điểm sàn là có thêm hàng chục nghìn thí sinh có thể dự tuyển, trong khi đó vẫn đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu của công tác tuyển sinh.
Mặc dù vậy, để vượt qua khó khăn trong tuyển sinh, các trường ngoài công lập phải tự xây dựng và chứng minh được thương hiệu của mình thông qua việc tổ chức hoạt động, xây dựng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo. Thực tế, nhiều trường ngoài công lập không hề khó khăn trong tuyển sinh như ĐH FPT, ĐH Thăng Long, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Tây Đô, Hoa Sen...
- Điều gì khiến ông đưa phương án điểm sàn vào áp dụng cách đây gần 10 năm?
Trong những năm đầu thực hiện “ba chung”, các trường thường dựa trên chỉ tiêu, kết quả chấm thi để quyết định điểm trúng tuyển rồi trình lên Bộ phê chuẩn. Việc này làm ảnh hưởng đến thời gian, tính chủ động và minh bạch trong tuyển sinh của trường. Nhiều thí sinh điểm thi rất cao nhưng lại bị trượt trong khi nhiều em điểm thấp hơn vẫn đỗ vào trường khác vì không có cơ hội cạnh tranh và xét tuyển ngoài trường đã đăng ký. Điều này gây tâm lý ức chế, thắc mắc trong xã hội.
Mặt khác, việc phê chuẩn điểm trúng tuyển của từng trường cũng dựa trên cái nhìn chủ quan của Bộ. Vì vậy, chỉ có phương án điểm sàn là đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, công bằng và chuẩn chất lượng tối thiểu của đầu vào. Với phương án này, rất nhiều thí sinh có điều kiện được xét tuyển vào các trường khác nếu không đỗ trường đã đăng ký.
- Nếu có một phương án khác thay thế cho điểm sàn mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào của sinh viên, đó sẽ là gì?
Vấn đề này cần có hội thảo rộng rãi, các trường đề xuất phương án để Bộ lựa chọn. Các trường nên sớm chủ động xây dựng đề án tuyển sinh để trình Bộ, trong đó cụ thể cần làm rõ tính minh bạch, kỷ cương, công bằng và chất lượng tuyển sinh; cần nhanh chóng xây dựng tiêu chí phân tầng đại học, phát triển theo đại học nghiên cứu, và theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng…
Đề thi cũng phân ra cho các “tầng” trường này. Cần xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn, đề thi phải được đánh giá, định lượng, sàng lọc để đảm bảo chất lượng đề. Kết quả trúng tuyến được tích hợp từ các kết quả khác như kết quả học tập phổ thông, thi tốt nghiệp phổ thông, phỏng vấn thí sinh, tham gia hoạt động xã hội... Trong đó tỷ trọng kết quả làm bài thi của thí sinh được lấy từ ngân hàng đề thi phải chiếm trên 50%.
Các trường theo đặc thù đào tạo có thể quyết định các tỷ lệ đó với mức độ khác nhau. Điều quan trọng nhất trong tuyển sinh là cần ngăn cho được các tác động “nhiễu” trong kết quả. Tất nhiên, đây chỉ là một phương án, và các nhà giáo dục có thể đề xuất rất nhiều các phương án khác nhau.
Thảo luận: