Thầy Quốc Phong, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm (ĐH Huế) khẳng định, học sinh hiện nay chỉ có một môi trường để thể hiện năng lực đó là qua thi cử. Vì vậy đề thi cần phải giúp cho học sinh bộc lộ năng lực.

Phản biện lại ý của Bộ muốn đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi, thầy Phong nhận định, chỉ 30% giáo viên Ngữ văn hiện nay có khả năng đánh giá được các tác phẩm lạ lẫm. Chính vì vậy, dù đề “mở” thì cũng không thể chọn ngữ liệu ở ngoài sách giáo khoa vào thi.

Theo thầy, đề thi theo hướng kiểm tra năng lực phải toát lên được hai ý: Phần thứ nhất chủ yếu kiểm tra tiền tố thể hiện năng lực ngữ văn, định lượng rõ ràng, phần thứ hai là nghị luận xã hội hay nghị luận văn học đều được, nhưng phải để học sinh thể hiện được năng lực. 

"Chúng ta từng loay hoay kiểm tra trắc nghiệm mà quên đi năng lực tuyệt vời trong viết. Nếu đề thi không mở thì không thể tìm ra năng lực kết tinh. Phải cho học sinh làm một bài văn, bởi văn chương mới là giá trị lâu bền nhất chứ không phải giá trị nghị luận xã hội", thầy Phong nói và khẳng định, đề mở nhưng không thể mở một cách phiêu lưu.

thay-Phong-7238-1397137470.jpg
Thầy Quốc Phong cho rằng đề mở nhưng không thể mở một cách phiêu lưu. Ảnh: Hoàng Thùy.

Ra đề mở, hướng dẫn chấm cũng phải mở là đề xuất của rất nhiều giáo viên. Cô Nguyễn Thị Thu Thanh, Sở Giáo dục Hải Dương chia sẻ, Hải Dương đã thực hiện quy định xây dựng ma trận đề thi nhiều năm. Mặc dù vậy, mới đây Sở tổ chức hội thảo "Đổi mới kiểm tra đánh giá bộ môn Ngữ văn theo ma trận" mới phát hiện rất nhiều giáo viên vẫn còn nhiều lúng túng.

Việc biên soạn, hướng dẫn chấm theo hướng mở vẫn còn nhiều vấn đề. Ngay cả thi học sinh giỏi ở Hải Dương, bản thân người chấm cũng chưa mở, chưa trân trọng sự sáng tạo của học sinh, chưa thoát khỏi tư duy truyền thống.

"Nếu Bộ muốn làm ngay thì cần phải thay đổi tư duy của thầy cô trên cơ sở nền của kiến thức. Mặt khác, thời gian thi như thế nào thì yêu cầu học sinh đáp ứng kiến thức ở mức độ đó", cô Thanh nói.

PGS Nguyễn Trí cũng khẳng định, khi đề thi mở, tấm lòng và thái độ người thầy trước một bài văn rất quan trọng. Dẫn câu chuyện bài văn điểm 0 của nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể về một học sinh đã nộp giấy trắng khi cô ra đề "tả ba em đọc báo". Thầy Trí cho biết, nếu giáo viên để lại bài văn và trò chuyện với học sinh, sẽ biết được câu chuyện học sinh ấy không có ba, và thông cảm với em.

"Người thầy khi chấm bài văn mở không cần kỹ thuật mà cần tấm lòng, thái độ. Đối với bài làm khác với suy nghĩ của mình thì cần tìm cách giải thích cho đúng", PGS Trí nói.

Ông kiến nghị, đối với đề thi mở thì người ra đề cần viết cả hướng dẫn chấm mở và viết hướng dẫn chấm đóng. Hướng dẫn chấm đóng là một kênh tham khảo, khẳng định đấy là suy luận chủ quan của người viết hướng dẫn. Người chấm cần chấp nhận tất cả các phương án khác nhau của học sinh trước đề bài của mình chứ không chỉ dựa vào dàn bài rồi đếm ý cho điểm.

Thời gian làm bài thi giảm cũng là nỗi lo lắng của nhiều giáo viên. Thầy Ngô Hương (trường Quốc học Huế) cho rằng, so với các nước khác, cách ra đề môn Văn của ta đã quá cũ. Nhưng xưa nay thầy và trò chỉ học và thi như thế, đã thành nếp. Nếu muốn thay đổi thì phải xác định xem thầy cô đã dạy tốt hay chưa?

"Hướng ra đề mới rất hay, sáng tạo. Tuy nhiên thời gian bớt đi nhưng độ khó lại hơn, yêu cầu cũng cao hơn. Học sinh giỏi, ở thành phố thì không sao, nhưng ở nông thôn tôi e là khó có thể làm được", thầy Hương nói.

giao-vien-8936-1397137470.jpg
Nhiều giáo viên dạy Văn lo lắng với những thay đổi trong đề thi tốt nghiệp năm nay. Ảnh: Hoàng Thùy.

Đại diện giáo viên Văn của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) thì nhận xét, môn Ngữ văn có đặc thù khác với Khoa học tự nhiên. Nếu như môn Toán có thể cắt cơ học số câu hỏi khi thời gian làm bài giảm xuống thì với các câu hỏi môn Văn vẫn phải trả lời đủ ý. Điều này là một khó khăn đối với học sinh. 

Mặt khác, đầu tháng 4 (chỉ còn 2 tháng nữa là kỳ thi diễn ra) giáo viên mới nắm được thông tin trên các phương tiện truyền thông. Với số tiết ít ỏi trong tuần, việc chuẩn bị kỹ năng làm bài cho học sinh khó. "Đề gồm 2 phần nhưng tỷ lệ điểm của phần đọc hiểu và viết như thế nào? Phần đọc hiểu tích hợp kiến thức từ tiểu học, cho 1 đoạn văn rồi có hệ thống câu hỏi, hay là những câu hỏi rời rạc... Tất cả những điều này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể trong khi thời gian thi sắp tới khiến giáo viên dạy văn chúng tôi rất lo lắng", nữ giáo viên cho hay.

Cả hội thảo bỗng ồn ào bàn tán khi nghe ý kiến của thầy Thảo Nguyên, Sở Giáo dục tỉnh Quảng Trị. Thầy Nguyên cho rằng, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho kéo pháo lên đồi chuẩn bị mở chiến dịch, nhưng sau khi cân nhắc thì rút hết về trận địa cũ. Liên hệ với giáo dục thời điểm này, cần phải thận trọng trước quyết định lớn lao.

"Nên chăng Bộ đợi sự đồng tình của dư luận, sự chuẩn bị của các nhà khoa học, giáo viên... rồi mới đổi mới ở năm sau", thầy Nguyên đề xuất.

Đồng tình với đại diện tỉnh Quảng Trị, thầy Nguyễn Quang Minh (khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, người thầy chỉ dạy cho học trò được kỹ thuật, còn sáng tạo là do bản chất từng em. Dạy văn cũng là dạy cách giao tiếp, nghĩa là không chỉ cho học sinh hiểu tác phẩm, hình tượng mà quan trọng hơn dạy các em ra đời dùng kiến thức đó như thế nào.

"Hiện nay học sinh vẫn chỉ là làm văn chứ chưa đạt được làm văn để hướng tới mục đích giao tiếp. Vì vậy cần phải có lộ trình đổi mới, không thể đột ngột kiểm tra năng lực của các em qua đề thi mở mà chưa có phương pháp dạy mới. Điều đó giống như việc dạy học sinh đi xe máy, không thể dạy bỏ 2 tay ngay từ đầu được", thầy Minh ví von. 

Là người đưa ra ý kiến cuối cùng của hội thảo, TS Lương Thị Hồng Hiếu, ĐH Sư phạm TP HCM lại đồng tình với những đổi mới của Bộ. Theo cô Hiếu, bước đổi mới năm nay nên ở mức vừa phải, và sẽ đổi mới toàn diện vào năm sau thì sẽ hợp lý hơn.

Theo cô Hiếu, nếu không kiểm tra văn bản ngoài chương trình thì không thể xem là mở. Và khi đó giáo viên cũng chỉ dạy những bài chính để học sinh đi thi. Bài thi không thể duy trì tình trạng học gì thi nấy mà phải kiểm tra kỹ năng làm bài của các em. Giống như Toán, học sinh học công thức, còn bài tập thì có nhiều dạng khác nhau. Điều này các nước trên thế giới đã làm từ lâu.

"Ở Australia, Bộ Giáo dục chỉ có khung chương trình, khung kỹ năng, còn văn bản của ai, dài ngắn thế nào là tùy giáo viên lựa chọn. Đề thi môn Văn thường có 5 văn bản, có một số đoạn trích và yêu cầu học sinh chọn 2 trong số đó để làm. Sắp tới, Việt Nam cũng nên cho một số văn bản quan trọng, còn khi dạy giáo viên có thể tùy chọn thêm", cô Hiếu gợi ý.

Lắng nghe ý kiến giáo viên trong một ngày, Thứ trưởng phụ trách thi tốt nghiệp THPT Nguyễn Vinh Hiển động viên giáo viên không cần lo lắng vì học sinh Việt Nam không kém cỏi. Minh chứng là khi thi PISA đứng vị trí cao dù văn bản dành cho toàn thế giới, có phần chưa được làm quen và không chỉ học sinh thành phố mà tất cả các vùng, đủ các dân tộc đều làm được.

"Cuộc sống phong phú nên đừng bó hẹp. Tôi rất mừng là giáo viên lo lắng, thể hiện sự quan tâm đến học trò, nhưng như thế giống như tư duy bao cấp, chỉ làm thui chột khả năng sáng tạo của học sinh", Thứ trưởng Hiển nói.

Ông cho rằng, nói đổi mới thì phải quyết tâm bởi từ năm 2000 đã đổi mới giáo dục phổ thông nhưng cứ do dự, trì trệ. Thế nên năm nay phải đột phá trong thi cử. Thời gian làm bài 120 phút hay 150 phút không quan trọng, bởi viết ngắn hay dài không quyết định sự hiểu biết của học sinh mà chỉ cần viết đúng ý câu hỏi. 

Hình thức ra đề môn Văn sẽ có đọc - hiểu và viết, đánh giá được kỹ năng tổng hợp của học sinh. Phần đọc - hiểu sẽ không lấy trong sách giáo khoa nhưng phải vừa với kiến thức học sinh. Điều này nhằm chấm dứt tình trạng học sinh học thuộc văn mẫu, khi thi nhớ lại chép mà vẫn được điểm tối đa. 

Một bài văn phải thể hiện được hai giá trị, đó là đảm bảo tính thông điệp (để người đọc hiểu được) và thể hiện sự trong sáng của tiếng Việt (chưa nói đến sáng tạo được văn bản có xúc cảm). Thầy cô phải biết nhìn ra cái sáng tạo của học sinh.

"Năm nay Bộ quyết tâm đổi mới, và sẽ hoàn thiện ở những năm sau. Người ra đề thi sẽ là những người giỏi nhất, biết hướng dẫn cho đồng nghiệp cách dạy, cách chấm. Không nên nghi ngờ giáo viên không biết chấm đề mở, vì qua sông thì phải lụy đò, chưa qua sông mà đã không tin người lái đò thì không thể qua được", Thứ trưởng Hiển nói và khẳng định thà chấm chưa chính xác nhưng tiếp cận được mục tiêu giáo dục còn hơn chấm chính xác mà không tiếp cận được mục tiêu.

Hoàng Thùy

Nguồn tin: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/de-van-khong-the-mo-mot-cach-phieu-luu-2976149.html