Phương thức quản lý giáo dục có tác động trực tiếp đến chất lượng dạy học
Phương thức quản lý giáo dục có tác động trực tiếp đến chất lượng dạy học

Bất cập của phương thức quản lý giáo dục tác động đến chất lượng giáo dục được đề cập tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức quản lý trường học góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” vừa diễn ra tại TPHCM.

Tư duy… đi xe lửa

Theo Tiến sĩ Huỳnh Công Minh - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cản trở lớn nhất trong việc đổi mới phương thức quản lý trường học là tư duy. Đó là tư duy quản lý chỉ nhìn trên mặt phẳng theo lối mòn có sẵn, trường học thì có phấn trắng bản đen; đến lớp, thầy giảng, trò chép, học thuộc rồi tham gia gia thi cử; tỷ lệ tốt nghiệp cao chọn học sinh điểm vào đại học…

Xã hội rất phát triển, việc dạy học như vậy quá nghèo nàn, người thầy dạy chán sẽ gây chán nản cho người học. Hệ quả là bằng cấp không ít mà năng lực đóng góp cho xã hội của nguồn nhân lực lại còn hạn chế.

Ông Minh cho rằng chúng ta rất tích cực… đi xe lửa, trong khi người ta đã đi máy bay rồi. Muốn theo kịp thế giới, tư duy phải xuất phát từ con người; giáo dục phải tạo điều kiện cho học sinh sớm trưởng thành về cả mặt thể chất, tư duy, đạo đức và năng lực làm chủ.

Giáo sư, Tiến sĩ Thái Duy Tuyên bày tỏ, người quản lý phải hiểu được rằng điều quan trọng hàng đầu với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục chính là chất lượng đội ngũ giáo viên. Trong khi, hiện nay chúng ta không có nhiều thấy giáo giỏi, giáo viên lúng túng, không biết làm thế nào để tích cực hóa và tổ chức hoạt động độc lập, sáng tạo cho người học. Lý luận mới dừng lại ở quan điểm chung chung như tích cực, độc lập, sáng tạo…

Hàng trăm nhà khoa học, nghiên cứu, nhà giáo tham gia hội thảo 
Hàng trăm nhà khoa học, nghiên cứu, nhà giáo tham gia hội thảo “Đổi mới phương thức quản lý trường học góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”.

Quản lý “cản” chất lượng?

ThS Nguyễn Minh Châu, nguyên trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, TPHCM nhấn mạnh, nếu không chú ý đến đến mới phương pháp quản lý để làm đòn bẩy thì việc đổi đổi mới phương pháp dạy học khó mang lại hiệu quả cao.

Trong đó, người thầy giữ vai trò quyết định chất lượng giáo dục. Có thầy giỏi ắt có trò giỏi nên phải xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất, chuyên môn, khả năng tự học, xử lý vấn đề… Và thuyền trưởng cho người thầy giỏi, cho một ngôi trường phát triển hay trì trệ lại là người hiệu trưởng. Nhưng hiệu trưởng dám đổi mới không hay lại chọn lối mòn để đi cho an toàn lại là một vấn đề.

Qua bài báo cáo của mình, ThS Phạm Quang Huân - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng có nhiều nguyên nhân làm chất lượng giáo dục nước ta yếu kém nhưng chủ yếu là do công tác quản lý chưa đáp ứng những yêu cầu của sự phát triển giáo dục trong giai đoạn mới. Việc quản lý nhằm đảo bảo chất lượng giáo dục trong nhà trường (từ phổ thông đến đại học) còn nhiều khiếm khuyết.

Ông Huân chỉ ra 3 biểu hiện rõ của cung cách quản lý phổ biến trong trường học còn lạc hậu là tính tập trung, bao cấp và hành chính. Những điều này đã và đang bộ lộ rõ những yếu kém nhưng tiến trình cả thiện lại chậm và kém hiệu quả. Mà nguyên nhân chính là từ năng lực quản lý chất lượng và cán bộ quản lý nhà trường non yếu, “khiêm tốn” trong việc tiếp cận các mô hình, lý thuyết tiên tiến.

ThS Phạm Quang Huân bày tỏ lo ngại, quản lý yếu kém sẽ là lực cản cho tiến trình thực hiện những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Thực tế này đòi hỏi các cơ sở giáo dục quyết tâm đổi mới cung cách quản lý chất lượng, tiếp cận mô hình hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế.

Hoài Nam

Nguồn tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/quan-ly-kho-theo-kip-yeu-cau-doi-moi-857668.htm