Đề xuất đổi mới đề thi tốt nghiệp môn văn năm 2014
Ông Đỗ Ngọc Thống, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, đang lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà nghiên cứu về đề xuất đổi mới hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Là thường trực Ban chỉ đạo đổi mới Chương trình - Sách giáo khoa sau năm 2015, ông Thống đề xuất đổi mới đề thi môn Ngữ văn theo hướng kiểm tra toàn diện, bước đầu vận dụng cách đánh giá theo năng lực học sinh. Từ đó tiệm cận dần đến các yêu cầu khi thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới; tổ chức một kỳ thi quốc gia, làm một bài thi tổng hợp để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh đại học.
Theo phương án đề xuất, tổng điểm sẽ được tính theo thang 20 gồm: Năng lực đọc hiểu (6/20) và Năng lực viết (14/20).
Thí sinh kết thúc kỳ thi tốt nghiệp ở Hà Nội. Ảnh minh họa: H.H
Phần đọc hiểu sẽ kiểm tra kiến thức về tiếng Việt: phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic... cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu học sinh phát hiện những lỗi đó (2 điểm); Yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước, có thể là Văn học, Sử, Địa, Khoa học tự nhiên... (2 điểm); Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn thơ/văn cho sẵn (2 điểm).
Như vậy, thay vì kiểm tra việc học thuộc lòng và nhớ các kiến thức lý thuyết như: Tu từ là gì? Thế nào là câu đúng? Thế nào là tóm tắt văn bản?... đề thi sẽ tập trung vào năng lực đọc hiểu của học sinh thông qua việc vận dụng những hiểu biết về tiếng Việt để giải quyết câu hỏi.
"Về lâu dài có thể tăng số lượng điểm về đọc hiểu và kiểm tra bằng dạng trắc nghiệm như PISA hoặc Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở bang California (Mỹ)", ông Thống nói.
Phần kiểm tra Năng lực viết bao gồm: Viết nghị luận xã hội (7/20 điểm), yêu cầu vận dụng tổng hợp các kiến thức về Văn học, Lịch sử, Địa lý, Đạo đức… Cách viết cũng vận dụng tổng hợp giữa kể, tả, biểu cảm, thuyết minh và nghị luận. Theo ông Thống, với tình huống giả định đề nêu, người viết không thể kể lung tung mà phải nêu được những địa danh lịch sử quan trọng và có ý nghĩa cả xưa và nay...
Viết Nghị luận văn học (7/20 điểm), yêu cầu phân hóa cao hướng tới tuyển sinh đại học. Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến thức và kĩ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn chưa được học trong sách giáo khoa.
Tương tự như phần kiểm tra năng lực đọc hiểu, về lâu dài phần năng lực viết có thể tích hợp cả nghị luận xã hội và văn học thành một bài viết tổng hợp như bài thi viết của bang California (Mỹ).
Với đề thi như trên, điểm xét tốt nghiệp sẽ được tính cho những học sinh đạt từ 10/20 trở lên. Các trường đại học, nhất là các trường theo hướng xã hội, nhân văn căn cứ vào tổng điểm 3 câu và điểm của câu 3 để xét tuyển sinh.
Ông Thống cho biết, với đề văn trên, học sinh không cần phải chép lại đề, bài làm mà trả lời thẳng vào từng câu hỏi. Cả câu 2 và 3 đều theo hướng mở nên học sinh hoàn toàn tự xác định những nội dung cụ thể theo cách hiểu của mình. Với cách ra đề như trên, học sinh mang tài liệu vào cũng không có ích gì; người coi thi không cần phải khám hay bắt tài liệu các em.
"Ra đề văn như thế đâu chỉ kiểm tra riêng văn, mà các kiến thức về lịch sử, địa lý, giáo dục đạo đức và công dân đều được huy động và vận dụng vào bài viết. Kiểm tra như thế là đổi mới đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực", ông Thống khẳng định.
* Tham khảo đề thi, đáp án dự kiến đổi mới |
Hoàng Thùy
Thảo luận: