Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT thì hai môn Toán và Ngữ văn thi tự luận 120 phút, 2 môn học sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học (thi trắc nghiệm 60 phút), Lịch sử, Địa lí (thi tự luận 90 phút) và Ngoại ngữ (gồm cả phần viết luận và trắc nghiệm 60 phút).

Các phương án bố trí lịch thi của Bộ GD-ĐT cụ thể như sau:

Phương án 1 - Tổ chức thi hai ngày với lịch thi ngày 2/6: buổi sáng thi Ngữ văn từ 7h15 đến 9h15, thi Vật lý từ 10h30 đến 11h30; buổi chiều thi Sinh học từ 13h30 đến 14h30, thi Lịch sử từ 15h45 đến 17h15; Ngày 3/6: buổi sáng thi Toán thừ 7h15 đến 9h15, thi Ngoại ngữ từ 10h30 đến 11h30; buổi chiều thi Hóa học từ 13h30 đến 14h30, thi Địa lý từ 15h45 đến 17h15.

Với phương án này, Bộ GD-ĐT có ưu điểm lịch thi đảm bảo mỗi buổi thi thí sinh làm bài không quá 180 phút; không gây áp lực quá mức cho học sinh vì các em đã từng làm các bài thi kiểm tra theo nhiều ca trong các kỳ kiểm tra chất lượng cuối học kì I, cuối năm học, thi tử ĐH.

Mỗi ca thi chỉ có một môn thi, trong cùng một thời gian không bị trùng môn thi nên học sinh có thể chọn thi bất kỳ môn nào trong 2 ngày thi. Thời gian tổ chức thi gọn trong 2 ngày, giảm 1 ngày so với trước đây do đó giảm tốn kém cho kì thi.

Tuy nhiên có hạn chế thời gian nghỉ giữa hai buổi thi ngắn, các hoạt động của Hội đồng coi thi và của thí sinh rất khẩn trương, do đó áp lức cho thí sinh và Hội đồng coi thi.

Phương án 2 - Tổ chức thi trong 5 buổi. Cụ thể ngày 2/6: buổi sáng thi Ngữ văn từ 8h đến 10h; buổi chiều thi Lịch sử từ 13h30 đến 15h, thi Vật lý từ 16h15 đến 17h15. Ngày 3/6: buổi sáng thi Toán từ 8h đến 10h; buổi chiều thi Địa lí từ 13h30 đến 15h, thi Hóa học từ 16h15 đến 17h15. Ngày 4/6: buổi sáng thi Ngoại ngữ từ 8h đến 9h, thi Sinh học từ 10h15-11h15.

Bộ GD-ĐT đánh giá, ngoài các ưu điểm như phương án 1, phương án này có thêm một số ưu điểm: Hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn được bố trí riêng vào hai buổi sáng sẽ tạo tâm lí tốt cho học sinh, giảm áp lực đối với Hội đồng thi.

Thời gian bắt đầu thi của các buổi sáng bắt đầu từ 8h thuận lợi cho việc tổ chức khai mạc vào sáng 2/6.

Tuy nhiên có hạn chế đó là thời gian thi kéo dài hơn vì phải thi 2 ngày rưỡi và gây tốn kém hơn cho công tác tổ chức thi và cho xã hội.

Phương án 3 - Tổ chức thi trong 6 buổi. Cụ thể, ngày 2/6: buổi sáng thi Toán từ 8h đến 10h; chiều thi Vật lý từ 13h30 đến 14h30, thi Địa lí từ 15h45 đến 17h15. Ngày 3/6: buổi sáng thi Ngữ văn từ 8h đến 10h; buổi chiều thi Hóa học từ 13h30 đến 14h30, thi Lịch sử từ 15h45 đến 17h15. Ngày 4/6: buổi sáng thi Ngoại ngữ từ 8h đến 9h; buổi chiều thi Sinh học từ 13h30 đến 14h30.

So với phương án 2 thì học sinh đỡ căng thẳng hơn vì ít có khả năng thí sinh chọn 2 môn trong một buổi chiều các ngày 2 và 3/6. Tuy nhiên việc kéo dài thêm 1 buổi thi gây thêm tốn kém cho kì thi.

Với 3 phương án trên, thời gian chuyển đổi ca thi trong mỗi buổi để thực hiện nghiệp vụ thi là 75 phút.

Phương án 4 - Thi trong 4 ngày, mỗi buổi học sinh thi 1 môn. Phương án này học sinh và Hội đồng thi đỡ căng thẳng. Tuy nhiên thời gian tổ chức thi quá dài, gây tốn kém cho kỳ thi.

Theo đánh giá của các chuyên gia, điều được khi tổ chức thi 4 môn, đó là giảm gánh nặng cho học sinh, nhưng lại cho thí sinh tự chọn 2 môn có thể gây thêm khó khăn cho việc bố trí thi.

S.H

Nguồn tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/du-kien-thi-tot-nghiep-thpt-nhieu-nhat-la-4-ngay-843398.htm