Thí sinh, các bạn đang luyện thi đại học cần tìm hiểu kỹ ngành học trước khi đăng ký dự thi.


Thưa PGS.TS Lê Quang Hưng, được biết, ngành Việt Nam học mới được đào tạo khoảng hơn 10 năm, ông đánh giá về mức độ quan tâm của người học đối với ngành học này?

Tôi có thể tự tin khẳng định rằng ngành Việt Nam học ngày càng được đông đảo người học quan tâm và chọn lựa. Ví dụ, khoa Việt Nam học của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 5 năm trở lại đây, số lượng thí sinh đăng kí thi vào khoa rất cao từ 400 đến 650 người một khóa. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 80 sinh viên/khóa.

Đối tượng quan tâm đến ngành Việt Nam học đa phần là các bạn trẻ năng động, ưa khám phá và mong muốn thể hiện năng lực của bản thân trong những lĩnh vực đòi hỏi không chỉ thông thạo những kiến thức trường qui mà còn phải tích lũy được những kĩ năng mềm cần thiết. Trong xu thế hội nhập thế giới như hiện nay, ngành Việt Nam học ngày càng trở thành một ngành học có sức hút lớn.

Nếu như cách đây chừng 5 năm, đa số còn băn khoăn “Việt Nam học là gì?” thì nay câu hỏi đó hầu như không còn được đặt ra nữa. Người học quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo Việt Nam học, và quan tâm đặc biệt đến các cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.

Vậy sinh viên tốt nghiệp ngành Việt Nam học tốt nghiệp ra trường thường làm ở đâu? Có cơ hội học lên cao nữa không thưa PGS?

Cơ hội và triển vọng việc làm của sinh viên Việt Nam học hiện nay ngày càng rộng mở và thuận lợi. Với kiến thức và các kĩ năng được trang bị, sau khi tốt nghiệp, các em có thể đảm nhiệm công việc ở các lĩnh vực như: Làm việc tại các cơ quan nghiên cứu và quản lí văn hóa, các tổ chức văn hóa, chính trị, xã hội giáo dục, khoa học, các tổ chức nước ngoài...; Trở thành hướng dẫn viên du lịch hay quản trị lữ hành tại các công ty du lịch trong cả nước; Giảng dạy tại các trường CĐ, ĐH có ngành Việt Nam học hoặc dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài; Làm việc trong các cơ quan báo chí, truyền hình hoặc truyền thông, tổ chức sự kiện…

Thực tế cho thấy, sinh viên Việt Nam học ra trường xin việc khá thuận lợi. Phần lớn các em làm việc trong các ngành du lịch, báo chí, truyền thông tại các thành phố lớn và các cơ quan quản lí văn hóa tại các địa phương. Một bộ phận không nhỏ sinh viên đã có việc làm thêm đúng chuyên ngành khi còn đang học năm thứ 3, thứ 4 (hướng dẫn viên du lịch, cộng tác viên báo chí, truyền hình).

Cử nhân Việt Nam học cũng có cơ hội để nâng cao trình độ, bằng cấp khi khoa Việt Nam học - ĐH Sư phạm Hà Nội đã đào tạo Thạc sỹ hai năm nay. Bên cạnh đó, cử nhân ngành Việt Nam học có khả năng học thạc sĩ hoặc tiến sĩ các ngành liên quan đến Việt Nam học để mở rộng phạm vi nghề nghiệp như: văn hóa, văn học, lịch sử, văn hóa các dân tộc thiểu số, văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, du lịch, báo chí, ngôn ngữ…

Sinh viên ngành Việt Nam học làm được đa ngành nghề như vậy thì chương trình học thế nào, thưa PGS?

Chúng tôi tâm niệm chất lượng đào tạo chính là mấu chốt của bài toán thu hút người học. Và sinh viên luôn là đối tượng trung tâm.

Những năm qua, khoa Việt Nam học không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy để nhằm cung cấp cho sv nền tảng kiến thức cơ bản, có hệ thống và thiết thực về đất nước, con người và văn hóa VN. Mặt khác, các hoạt động thực tế, dã ngoại, tham quan học tập, rèn luyện kĩ năng mềm thông qua hoạt động Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên được đẩy mạnh và chú trọng vào chiều sâu. Mỗi năm, sinh viên Việt Nam học có một chương trình đi thực tế từ 1 - 7 ngày theo chương trình học, có thu hoạch và điểm thực tế.

Ngoài ra, phần lớn các môn học liên quan đến nghiệp vụ văn hóa, báo chí, du lịch đều có nội dung thực tế phù hợp để cung cấp kiến thức thực tế cho sinh viên và rèn luyện kĩ năng sống hiện đại, tích cực, phục vụ thiết thực cho công việc tương lai của các em. Bên cạnh đó, mỗi năm, sinh viên Việt Nam học đều có một chương trình rèn luyện nghiệp vụ Việt Nam học quy mô và nghiêm túc để các em “hiện thực hóa” những kiến thức đã học thành sản phẩm cụ thể, giúp các em tiếp cận thật tốt với định hướng nghề nghiệp của mình.

Xin cảm ơn PGS!

Hồng Hạnh

Nguồn tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoc-nganh-viet-nam-hoc-co-the-lam-nghe-bao-chi-du-lich-846454.htm