Giải thích về việc khó tiếp nhận trẻ có độ tuổi dưới 18 tháng tuổi, bà Trần Thị Minh Hải - Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Minh Hải (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Việc nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi rất là khó khăn cho cơ sở công lập và tư thục bởi khi nhận độ tuổi này đòi hỏi cơ sở vật chất phải đáp ứng được đầy đủ như phòng ốc, môi trường và chắc chắn phải đầu tư rất lớn. Đối với trẻ ở độ tuổi càng nhỏ thì rất dễ xảy ra những hiểm nguy không an toàn nên đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có nhiều kinh nghiệm và có kiến thức chuyên môn tốt. Hiện nay để một cơ sở nào đó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu này thì rất là khó”.

Cũng theo bà Hải, trong bối cảnh hiện nay, để nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi, thiết nghĩ không có trường nào dám can đảm để nhận bởi vì khi đã nhận trẻ nhỏ nó liên quan đến một loạt các yếu tố về cơ sở vật chất, yếu tố con người và môi trường.
 
Trong khi trường tư thì “từ chối” việc tiếp nhận độ tuổi nhà trẻ do chưa đảm bảo các yếu tố cần thiết thì trường công cũng có những khó khăn riêng. Theo cô Nguyễn Thị Khánh Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội), hiện nay theo chủ trương của ngành thì ưu tiên phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi trước. Để có sự tiếp nối cấp học thì độ tuổi ưu tiên tiếp theo phải gần với 5 tuổi. Nói cách khác độ tuổi ưu tiên tiếp theo là 4 tuổi, 3 tuổi sau đó mới đến độ tuổi nhà trẻ. Do cơ sở vậy chưa đáp ứng được hết nhu cầu gửi trẻ nên rất ít trường công mở được lớp nhà trẻ.
 

Rất khó để gửi trẻ dưới 18 tháng tuổi vào trường công.


Theo khảo sát của phóng viên tại Hà Nội, hầu hết các trường công đều chưa có điều kiện để nhận trẻ ở độ tuổi dưới 18 tháng tuổi. Chỉ có một số số cơ sở đặc thù được giao nhiệm vụ thì tiếp nhận trẻ ở độ tuổi từ 18-24 tháng tuổi.

Trường mầm non 20-10 là một cơ sở công lập "hiếm hoi" ở Hà Nội nhận trẻ ở độ tuổi từ 18-24 tháng tuổi nhiều năm nay. Tuy nhiên, để hoạt động được lớp nhà trẻ ở độ tuổi này, nhà trường được UBND thành phố Hà Nội cho cơ chế riêng đó là được tự chủ về tài chính. Bên cạnh đó, nhà trường cũng không phải là cơ sở có trách nhiệm tiếp nhận con em ở địa bàn cư trú mà được tuyển sinh theo chỉ tiêu và không giới hạn khu vực tuyển sinh.

“Trường chúng tôi đã được thành lập 50 năm. Từ khi thành lập đã được mang tên là vườn trẻ 20-10 và có nhiệm vụ chăm sóc các cháu từ lứa tuổi nhà trẻ đến lứa tuổi mẫu giáo. Đây là mô hình liên hợp nhà trẻ đầu tiên ở Việt Nam chăm sóc tất cả các cháu ở lứa tuổi mầm non. Chính vì thế dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm duy trì lớp nhà trẻ ở độ tuổi 18-24 tháng” - cô Nguyễn Hương Giang - phó Hiệu trưởng trường 20-10 cho biết.

Cũng theo cô Giang, trong quá trình dạy các cháu từ 18-24 tháng thì nhà trường cũng có những khó khăn nhất định. Độ tuổi này các cháu rất nhỏ, sức đề kháng rất yếu, khả năng tự phục vụ của các cháu là chưa tốt. Chính vì thế các cô cũng như là những người mẹ thứ hai của các cháu. Các cô phải hoàn toàn chăm sóc, nâng niu các cháu như người con ở trong gia đình, phải thật sự tâm huyết và thương yêu đứa trẻ thì mới đảm đương được.

Đối với độ tuổi trẻ nhỏ, các cô giáo phải hoàn toàn chăm sóc, nâng niu các cháu như người con trong gia đình.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường mầm non 20-10 chia sẻ thêm, để đảm bảo an toàn trong việc chăm sóc lớp nhà trẻ thì nhà trường cũng đã phải lựa chọn những giáo viên có thâm niêm công tác và có nhiều kinh nghiệm. Đối với độ tuổi này yếu tố kinh nghiệm rất là quan trọng bởi trẻ ở độ tuổi này sức đề kháng chưa được tốt, dễ bị ốm đau…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với việc được tự chủ về nguồn tài chính nên trường mầm non 20-10 thực hiện tiếp nhận và bố trí giáo viên theo đúng quy định của Điều lệ trường mầm non. Ở lớp nhà trẻ 18-24 tháng tuổi chỉ có 20-25 đầu trẻ nhưng được bố trí đến 4 giáo viên... Với cơ chế riêng như vậy nên mức học phí hàng tháng nhà trường đã phải thu là 1,2 triệu đồng.

Cô giáo Lê Hồng Vân - phụ trách lớp trẻ 18 tháng tuổi Trường mầm non 20-10 bộc bạch: “Ở độ tuổi nhỏ thì đòi hỏi sự tỉ mỉ của người giáo viên được đặt lên hàng đầu. Nhưng công việc rất nhỏ như đi dép, đi tất, lau mũi… hàng ngày tưởng rằng nhỏ nhưng nếu mình chú ý sẽ đảm bảo cho các cháu sức khỏe tốt hơn”.

Gắn bó với bậc mầm non gần 35 năm, cô Tô Thị Luyến trăn trở với những vụ việc bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non gần đây: “Những đóng góp của phụ huynh chỉ đáp ứng được một phần nào đó chăm lo cho đời sống giáo viên. Chính vì thế giáo viên còn có nhiều trăn trở, lo âu để đảm bảo cuộc sống của mình. Tuy nhiên, đã là một giáo viên mầm non mà bạo hành trẻ là không thể chấp nhận được. Song chúng ta cũng phải lưu ý rằng, những sự việc bạo hành trẻ vừa qua chỉ xảy ra ở một số điểm cá biệt khi mà họ chưa có hệ thống giám sát, chăm sóc trẻ chuyên nghiệp. Do đó xã hội cũng cần phải nhìn nhận đối với bậc mầm non một cách thấu đáo và chia sẻ hơn”

Cô Luyến cũng cho rằng, để bớt đi những bức xúc trong xã hội thì cần phải phân cấp để quản lý những cơ sở chưa được đảm bảo, kể cả về cơ sở vật chất lẫn yếu tố con người.

Nguyễn Hùng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/it-truong-mam-non-dam-nhan-tre-duoi-18-thang-tuoi-819793.htm