TTO - Cho em hỏi ngành PR và Marketing khác nhau như thế nào? Cơ hội việc làm của hai ngành này ở nước ta hiện nay ra sao?

Học sinh tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2014 do Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Quang Định

- ThS Hứa Minh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing: Đây là hai ngành khác nhau. Ngành PR (viết tắt của Public Relations - tạm gọi là Quan hệ công chúng) thuộc nhóm ngành Báo chí và truyền thông, còn ngành Marketing thuộc nhóm ngành kinh doanh và quản lý. Sự phân biệt này dựa vào bảng danh mục đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, đại học.

Ngành PR nhằm cung cấp thông tin cho công chúng, xây dựng thông tin hai chiều giữa công chúng và tổ chức, cá nhân, tạo nên sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng. Hoạt động PR gắn bó chặt chẽ với các phương tiện truyền thông đại chúng, còn ngành Marketing cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về marketing và kiến thức chuyên môn để phân tích marketing, hoạch định và thực hiện các kế hoạch, chương trình marketing thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu, dịch vụ, quản trị thương hiệu...

Tuy nhiên giữa 2 ngành này cũng có điểm giao thoa là khi triển khai hoạt động nào đó thường khai thác trên số đông các tập thể, các phương tiện truyền thông và người làm công tác PR và Marketing phải luôn có đầu óc sáng tạo, linh hoạt, nhanh nhẹn, thực tiễn trong hoạt động xã hội, có tâm lý giao tiếp, kiến thức xã hội tốt.

Về cơ hội việc làm của 2 ngành này có thể nói là những ngành cho tương lai tại nước ta. Từ năm 2011 đến nay, theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, đây là nhóm ngành luôn chiếm tỷ lệ cao trong khảo sát.

* Theo em biết thì ĐH Tài chính - Marketing là trường công lập tự chủ, vậy học phí theo quy chế như thế nào và dao động khoảng bao nhiêu? Ngành Marketing đào tạo như thế nào? Học ngành này có thể làm được những việc gì? Còn ngành Tổ chức sự kiện đòi hỏi những yêu cầu gì để làm tốt nghề này?

- Ths Hứa Minh Tuấn: Trường Đại học Tài chính - Marketing là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chí phí hoạt động thuộc Bộ Tài chính, thực hiện theo cơ chế tự chủ tài chính, do vậy học phí của trường hiện nay thu là 6.800.000 đồng/năm; nếu thu theo tín chỉ, mức thu là 220.000 đồng/tín chỉ.

Ngành Marketing cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về marketing và kiến thức chuyên môn để phân tích marketing, hoạch định và thực hiện các kế hoạch, chương trình marketing thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu, dịch vụ, quản trị thương hiệu...  Sinh viên khi tốt nghiệp có khả năng thực hiện các nhiệm vụ sau:

Phân tích, dự báo nhu cầu thị trường, xây dựng chiến lược thị trường. Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý các hoạt động nghiên cứu thị trường, nghiên cứu hành vi, nhu cầu khách hàng, tổ chức hệ thống thông tin marketing. Nghiên cứu hoạch định chiến lược marketing. Quản lý tổ chức kế hoạch Marketing - mix như kế hoạch phát triển sản phẩm, kế hoạch phân phối, kế hoạch truyền thông marketing. Tổ chức thực hiên các hoạt động quan hệ khách hàng.

Hiện nay, theo danh mục ngành cấp IV trình độ cao đẳng, đại học thì không có ngành Tổ chức sự kiện, mà chỉ có ngành Quan hệ công chúng hay ngành Marketing, còn tổ chức sự kiện chỉ là một chuyên ngành nằm trong 2 ngành nói trên hoặc có thể các trường mở chuyên ngành này tại ngành Quản trị kinh doanh hay Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành.

Chuyên ngành tổ chức sự kiện đào tạo cho sinh viên có các kiến thức về kinh tế, văn hóa, quản trị kinh doanh; có kiến thức chuyên sâu về quản trị tổ chức sự kiện trong các doanh nghiệp; có tầm nhìn và tư duy sáng tạo để đưa ra những ý tưởng lớn, điểm nhấn của sự kiện quản lý, phân tích, am hiểu về văn hóa, môi trường kinh doanh; có kỹ năng tổ chức sự kiện, kỹ năng phối hợp - làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, truyền thông. Để làm tốt nghề này đòi hỏi sinh viên sáng tạo, linh hoạt, nhanh nhẹn, thực tiễn trong hoạt động xã hội, có tâm lý giao tiếp, kiến thức xã hội tốt.

NHÓM PV