Đối với bài thi môn toán, để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, thí sinh cần phải bình tĩnh khi làm bài, giữ tình trạng sức khỏe lúc thi ổn định. Thiếu bình tĩnh đôi khi khiến chúng ta làm sai cả những phép tính rất đơn giản.

Trước khi làm bài, các bạn hãy đọc đề thật kỹ, thế các dữ liệu chính xác, tránh trường hợp đề một đường làm một nẻo; phải nhớ điều kiện để hàm số xác định; hiểu chính xác yêu cầu của đề không đặt vấn đề sai. Các bạn chú ý không nên tính toán vội vàng mà phải giữ lại cả khâu trung gian trong quá trình làm bài. Khi giải bất phương trình (hoặc phương trình) nhớ đặt điều kiện để phép biến đổi là tương đương. Một số thí sinh xác định sai miền giá trị của ẩn phụ nên kết luận sai.

Cố gắng rèn luyện, học hỏi để có cách giải ngắn gọn, tránh chọn cách dài dẫn đến tính toán dài dòng, phức tạp, dễ sai. Trong những phương trình (hoặc bất phương trình) lượng giác, vì sử dụng công thức không đúng chỗ nên dẫn đến phương trình mới phức tạp hơn. Trong những bài tích phân, vì đổi biến không phù hợp nên làm không ra và mất thời gian tính toán dài dòng.

Đừng quên những trường hợp đặc biệt, ví dụ như trường hợp tham số m làm cho hàm số suy biến, trường hợp hệ số a của bất phương trình bậc 2 bằng 0. Khi khảo sát và vẽ đồ thị hàm số, thí sinh phải cẩn thận khi lập bảng biến thiên vì bảng biến thiên sai sẽ dẫn đến vẽ đồ thị sai. Phải cẩn thận khi kết hợp nghiệm ở phần kết luận, vì có khi giải đúng nhưng kết hợp nghiệm sai. Rèn luyện cách đưa một bài toán lạ về một bài toán quen. Biết kết hợp nhiều vấn đề đã học để giải quyết cùng một bài toán. Trong những bài giải tích tổ hợp, các em phải học kỹ định nghĩa của hoán vị, tổ hợp, chỉnh hợp và phải thuộc công thức nhị thức Newton. Trong những bài hình học, các em phải vẽ hình rõ ràng và chính xác để tránh dẫn đến kết luận sai.

Trong khi làm bài, các em phải tập trung toàn bộ tâm trí vào công việc của mình, đừng nghĩ đến đậu hay rớt, điểm cao hay điểm thấp, có phải luyện thi đại học lại hay không vì luyện thi đại học môn toán cần thời gian và nỗ lực rất nhiều... vì bất cứ ý nghĩ (không đúng lúc) nào cũng làm tốn năng lượng và phân tâm. Nên làm nháp ngay trong tờ giấy thi, nếu đúng thì giữ nguyên, nếu sai thì gạch bỏ và làm lại. Giám khảo chỉ chấm đúng hay sai chứ không chấm hay hoặc dở, dơ hay sạch, đẹp hay xấu, dài hay ngắn.

Thạc sĩ PHẠM HỒNG DANH (giảng viên chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Nguồn: tuoitre.vn