Bí quyết thi đại học môn tiếng Anh đạt điểm cao từ giảng viên ngoại ngữ
(GDVN) -Đối phó với những câu hỏi 'lắt léo, đánh lừa', thí sinh nên đọc kỹ câu hỏi…không nhầm lẫn, hoang mang khi thấy nhiều đáp án giống nhau. Đó là những gợi ý của Thạc sĩ Phạm Thị Mai Hương, giảng viên Khoa tiếng Anh trường ĐHNN, ĐHQGHN và giáo viên THPT Chuyên Ngữ, ĐHNN cho các bạn đang luyện thi đại học khối D.
“Áp chót” ngày thi cần chuẩn bị những gì?
Khi còn có nhiều thời gian ôn, các sĩ tử không phải phân vân, lựa chọn cần ôn phần kiến thức nào mà có thể ôn lần lượt. Nhưng khi sắp đến ngày thi, thì nhiều bạn thường bối rối, không biết mình nên ôn thêm phần nào, bỏ đi phần nào để có thể tổng hợp kiến thức một cách đầy đủ trước khi bước vào thi.
Theo cô Hương, những ngày sát kỳ thi thí sinh nên nắm chắc được cấu trúc của đề thi Đại học, dựa vào đó để ôn tập đúng dạng bài. Các thí sinh có thể truy cập trang web của Bộ GD&ĐT để tham khảo cấu trúc đề thi đại học nhằm tìm kiếm được đề thi một cách chính xác nhất.
Ngoài ra, các thí sinh nên làm thử các dạng đề thi đó nhiều lần, như vậy sẽ tạo tâm lý tự tin hơn khi bước vào phòng thi.
Về bí quyết thi Đại học môn tiếng anh đạt điểm cao, cô Hương chia sẻ: không còn cách nào khác là phải trang bị kiến thức và luyện tập nhiều để tự tin làm bài là cách tốt nhất giúp các thí sinh đạt được điểm như mong muốn.
Cũng như các bài thi khác, thí sinh nên làm những câu dễ trước, trở lại làm các câu khó sau. Thí sính cần cân đối thời gian để khi hết giờ làm bài Phiếu trả lời đã có đầy đủ các đáp án.
Ngoài ra, nên chú ý: bài thi dưới dạng trách nghiệm trên phiếu nên cần làm kỹ càng rồi mới ghi vào phiếu trả lời. Ghi đáp án cẩn thận, tránh nhầm dòng hoặc quên lựa chọn đáp án.
Các thí sinh nên tận dụng tối đa thời gian, kiểm tra kỹ bài thi và đặc biệt không bỏ trống bất kỳ câu nào.
Thạc sĩ Phạm Thị Mai Hương ( ảnh: Diện Hứa) |
“ Mẹo” làm tốt từng phần trong bài thi.
Cấu trúc bài thi đưa ra thường có những câu hỏi “đánh lừa” thí sinh, nên nhiều bạn rất dễ nhầm lẫn ở phần này.
Theo cô Hương, có rất nhiều câu hỏi trong đề đưa ra 4 lựa chọn dễ gây nhầm lẫn, thí sinh cần đọc kĩ câu hỏi, xem chỗ trống cần điền là loại từ gì, hoặc dựa trên sự tương thích giữa các từ, ví dụ: .... a lot of progress thì cần lựa chọn 'make'.
Với những bài như: bài đọc hiểu (reading comprehension) và đọc điền từ (cloze test) luôn khiến thí sinh “nản” vì mật độ chữ và sự dễ nhầm lẫn khi chọn đáp án. Đối phó với chúng, cô Hương đã bày một số cách phù hợp với từng kiểu bài cho các thí sinh.
Với bài đọc hiểu, cần đọc câu hỏi trước, gạch chân từ khoá (key words) để khoanh vùng được thông tin cần tìm kiếm, sau đó đọc lướt bài đọc để xác định khu vực thông tin đang tìm và đọc kĩ để lấy câu trả lời tốt nhất.
Còn bài câu hỏi tìm từ có nghĩa gần nhất với từ in đậm trong bài, cần đọc ngữ cảnh xung quanh từ đó để hiểu được nghĩa từ trước khi đưa ra lựa chọn. Để làm tốt bài cloze test, thí sinh cần nắm vững các cấu trúc và collocation.
Mỗi bài có đặc thù riêng và có cách trả lời riêng. Đối với bài chọn lỗi sai thường nhấn mạnh ngữ pháp, thí sinh cần chú ý tới một số đơn vị ngữ pháp như thì động từ, trạng từ, số ít số nhiều, sự tương thích giữa chu ngữ và vị ngữ...
Dù kiến thức có tốt hay không, thì khi tâm lý không tốt, việc làm bài thi cũng rất khó khăn cho các sĩ tử. Vì vậy, điều quan trọng không thể thiếu để hỗ trợ cho việc thi ĐH đạt kết quả tốt là tâm lý. Khi thi, các thí sinh cần bình tĩnh, tập trung cao độ vào bài thi. Kết hợp được những bí quyết trên cùng với việc kiến thức chắc, thì việc thi tiếng anh của các bạn thí sinh có thể dễ dàng hơn.
Nguồn tin: GDVN - http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giang-vien-ngoai-ngu-noi-ve-bi-quyet-dat-diem-cao-thi-DH-mon-tieng-Anh-post121945.gd
Thảo luận: