Ngày 9.1, Bộ GD-ĐT đã công bố Đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật. Điểm chính yếu của đề án này là giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường khối văn hóa - nghệ thuật trong công tác tuyển sinh.

Theo đó, Bộ quy định chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối văn hóa (khối C).

Riêng đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối Nghệ thuật (khối H, N, S): môn Ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT; môn năng khiếu do hiệu trưởng các trường quyết định.

Để tổ chức thi các môn năng khiếu này, hiệu trưởng các trường lập Đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 31.1.2013.

Bộ cũng quy định hai đối tượng được xét tuyển thẳng. Đó là học sinh đã tốt nghiệp THPT, trung học chuyên nghiệp, đoạt giải xuất sắc hoặc giải nhất, nhì, ba tại các hội thi, hội diễn, liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc tương đương được tuyển thẳng vào ĐH hoặc CĐ theo đúng ngành mà thí sinh đã đoạt giải.

Có tất cả 10 trường được thi tuyển sinh riêng theo đề án này gồm: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH sư phạm Nghệ thuật Trung ương, CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, CĐ Múa Việt Nam, CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Nguồn: tuoitre.vn
Như vậy, với đề án này, bộ GD-ĐT đã giao quyền tự chủ cho các trường thuộc khối văn hóa - nghệ thuật trong công tác tuyển sinh. Bên cạnh đó cũng giúp giảm tải cho thí sinh thuộc khối chuyên ngành Nghệ thuật, giảm bớt việc phải luyện thi đại học những môn học không cần thiết.