Đã đến giữa tháng 10-2013, bắt đầu mùa luyện thi đại học mới, các trường ĐH công lập đã yên bề, trọn vẹn một mùa tuyển sinh và các trung tâm luyện thi đại học đã khai giảng các khóa ôn thi đại học mới thì hầu hết các trường ngoài công lập đang mòn mỏi chờ thí sinh.

Mong ngóng từng bộ hồ sơ

Điển hình nhất là trường ĐH Chu Văn An, theo lãnh đạo nhà trường, đến nay trường mới tuyển được 75 thí sinh, trong khi đó chỉ tiêu được giao là 1.000. Tương tự, trường ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH DL Đông Đô và nhiều trường ĐH ngoài công lập khác của khu vực miền Bắc… cũng rơi vào tình trạng ít thí sinh như vậy. Các trường vẫn đang tiếp tục chờ đợi thí sinh.

Khả quan hơn một chút, trường ĐH Đại Nam tuyển được 700 thí sinh trên tổng số 2.000 chỉ tiêu. Thậm chí, trường ĐH Dân lập Hải Phòng, mọi năm đến giờ này đã tuyển đủ chỉ tiêu nhưng năm nay, số lượng tuyển sinh còn ít hơn cả mọi năm.

GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng thốt lên: “Tôi không hiểu thí sinh chạy đi đâu? Trường tiếp tục đợi đến 30/10, nếu thí sinh vẫn đến ít, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT cho trường xét tuyển riêng”.

Theo GS Nghị, phương án tuyển sinh riêng của trường theo hình thức kết quả 3 năm phổ thông, điểm tốt nghiệp, điểm thi đại học, hạnh kiểm để tuyển thí sinh.

Giải thích nguyên nhân vì sao các trường ngoài công lập (NCL) ngày càng khó tuyển sinh, lãnh đạo trường ĐH Đại Nam cho rằng: “Đầu ra của sinh viên trường ĐH NCL hiện nay xã hội không thích. Hơn nữa, nhiều trường ĐH công lập lấy điểm chuẩn sát sàn và học phí lại thấp hơn thì đương nhiên các thí sinh sẽ chọn học chứ đâu chạy ra trường dân lập nữa”.

GS Trần Hữu Nghị cho biết, tại Hải Phòng có tới 3 trường ĐH công lập, trong đó 2 trường lấy điểm chuẩn nhỉnh hơn sàn một chút thì trường tôi làm gì có thí sinh vào học.

Còn lãnh đạo trường ĐH DL Đông Đô cho hay, những trường ĐH NCL năm nay ít thí sinh vào hơn các năm trước là do năm nay thí sinh được cấp 3 giấy báo trúng tuyển. Năm 2012, quy chế tuyển sinh chỉ cấp cho thí sinh 2 giấy báo điểm nhưng lại cho phép thí sinh nộp bản phô tô để xét tuyển. Năm nay, để hạn chế ảo, quy chế không cho nộp bản phô tô nữa, nhưng lại tăng thêm 1 giấy báo điểm cho thí sinh. Như vậy, nếu thí sinh thi 2 khối sẽ có 6 giấy báo điểm. Nhiều trường hợp thí sinh không đỗ nguyện vọng 1 đã nộp ngay cả 3 hồ sơ xét tuyển đi các nơi, có trường ở Đà Nẵng, trường ở Huế, trường ở Thái Nguyên. Đến khi báo không đỗ nguyện vọng 1, không phải thí sinh nào cũng có điều kiện đến lấy lại vì quá xa, gia đình không có điều kiện.

Năm 2013, các trường ĐH ngoài công lập được kỳ vọng sẽ dễ tuyển sinh vì lượng thí sinh có tổng điểm trên sàn dôi dư rất lớn. Tuy nhiên, thời điểm này, khi kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đã đến giai đoạn xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt thứ 3 thì nhiều trường ĐH NCL vẫn mong ngóng từng bộ hồ sơ mới gửi về. Và, chỉ còn khoảng hơn 10 ngày nữa để các trường ĐH NCL kết thúc tuyển sinh nhưng xem ra sự kỳ vọng thêm thí sinh sẽ rất khó.


Đại học ngoài công lập còn phải chờ thí sinh!

Không tuyển sinh được do… vung tay mở trường!

GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH DL Thăng Long cho rằng: “Nhiều trường đại học NCL đã phải kêu cứu vì không tuyển sinh được do trong ba năm gần đây ta đã thành lập và nâng cấp quá nhiều trường công lập, trong khi Bộ GD-ĐT lại cho rằng các trường NCL không chịu đầu tư vào giảng dạy”.

GS Sính thẳng thắn chỉ, bây giờ chúng ta hãy xem xét số các cơ sở GDĐH tại Hà Nội: Theo Thành ủy Hà Nội, về mặt Đảng, thành ủy phụ trách 64 cơ sở GDĐH và Bộ Giáo dục phụ trách số trường còn lại. Như vậy tổng cộng là bao nhiêu trường, nhưng chắc chắn là hơn 64, một con số quá lớn đối với nước ta. Đến năm 2010 và 2011, Bộ GD-ĐT tiếp tục mở thêm 6 đại học nữa ở Hà Nội trong đó 4 là công nâng cấp và 2 là tư. Hay như tỉnh Bắc Ninh, năm 2010 thêm một trường đại học được nâng cấp và một đại học tư là ĐH Kinh Bắc mở năm 2012, trong khi tỉnh đã có hai đại học tư là ĐH Quốc tế Bắc Hà và ĐH Công nghệ Đông Á.

“Rõ ràng đã vung tay quá chớn, phung phí tiền bạc của ngân sách và của nhân dân, chúng ta cần gì có nhiều đại học như vậy ở mỗi tỉnh.Việc mở nhiều trường đại học, nhất là trường công là do nôn nóng muốn có số sinh viên trên vạn dân tăng nhanh. Chúng ta thường lấy một số nước làm chuẩn, chẳng hạn năm 2010 số sinh viên của ta đạt khoảng 200 SV/1vạn dân trong khi đó Thái Lan đã đạt khoảng 400 SV/1 vạn dân. Lấy chỉ tiêu như vậy đúng hay sai? Nếu biết rằng thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan gấp hơn 4 lần Việt Nam, thì có thể biết rằng tăng sinh viên Việt Nam nhanh như thế là quá vội vàng, tăng các trường trong các năm 2010, 2011, 2012 như thế cũng là quá nóng, dẫn đến không có chất lượng, lãng phí cho đất nước và đào tạo ra không dùng được” - GS Sính bức xúc.

Đồng quan điểm, GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình cho rằng: “Sự mở rộng quá nhanh hệ thống các trường đại học trong đó có các trường tư thục khiến cho các trường lâm vào thế cạnh tranh gay gắt trong khi chỉ tiêu đầu vào bị hạn chế thông qua việc xác định điểm sàn của kỳ thi ba chung mà thực chất không phải là thước đo chính xác về chất lượng đầu vào do chịu sự tác động rất lớn của độ khó của đề thi. Các trường nước ngoài đã khống chế thị trường con nhà giàu, các trường công khống chế thị trường các học sinh khá giỏi. Vậy các trường tư chỉ còn khu vực thị trường học sinh trung bình yếu và gia đình trung lưu và nghèo có thu nhập tăng giảm theo đà phát triển hoặc suy thoái kinh tế của đất nước”.

Hồng Hạnh - DanTri.vn