Anh Hoàng ôm giấc mộng du học từ thời sinh viên mà không thực hiện được. Trong một lần đến dự hội thảo du học Anh, anh được nhân viên tư vấn giới thiệu những cái hay, cái tốt khi cho con đi du học khi bước vào lớp 10. Giấc mơ tuổi trẻ và niềm tin việc học tập trong môi trường tiên tiến, tiếp thu nền văn hóa hiện đại, nói tiếng Anh như gió... sẽ giúp bé An sau này có công việc tốt khiến anh Hoàng không do dự, nhanh chóng chọn trường, chuẩn bị thủ tục chờ đến ngày đưa cô con gái đi du học.

Sau 2 tháng nhập học, Hải An liên tục gọi điện than thở với mẹ việc không nói được tiếng Anh nên khó hiểu bài cô giảng, bạn bè bàn luận, dần dần trở nên lầm lỳ ít nói. Chị Mai vừa động viên vừa đe dọa con gái: “Để đưa con đi du học, bố mẹ đã tốn rất nhiều tiền, bây giờ không học được thì dở dang cho cả nhà”. Tuy nhiên dù rất cố gắng Hải An cũng không thể tiếp tục du học bởi cô bé cảm thấy lạc lõng, khủng hoảng tinh thần, luôn cảm thấy căng thẳng. Còn anh Hoàng chị Mai đang vắt óc suy nghĩ để chọn trường mới cho con gái khi về nước.

Phổ thông trung học là cánh cửa vào đời quan trọng đối với học sinh. Phụ huynh nên lựa chọn trường vừa sức học của con. Ảnh Kiều Trinh.
Phổ thông trung học là cánh cửa vào đời quan trọng đối với học sinh. Phụ huynh nên lựa chọn trường vừa sức học của con. Ảnh Kiều Trinh.

Cũng chịu áp lực từ việc bố mẹ sắp xếp việc học hành như Hải An, Quang Thắng ở TP HCM đã phải đến gặp bác sĩ tâm lý để cân bằng tinh thần. Quang Thắng tâm sự: “Sức học của em chỉ thuộc hạng trung bình nhưng bố mẹ lên kế hoạch cấp 3 em phải vào trường chuyên lớp chọn, không thi được thì ‘chạy’, nhờ các mối quan hệ. Vào được trường lớp như bố mẹ mong muốn nhưng em không thể theo kịp chương trình học, lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng và nghĩ mình vô dụng, ngốc nghếch”. Mỗi ngày đến lớp, Quang Thắng đều thấy rất chán nản nhưng không dám nói với phụ huynh vì sợ làm họ thất vọng. Sau khi nghe những lời tư vấn bổ ích của các chuyên gia, Quang Thắng quyết định sẽ nói thật với bố mẹ suy nghĩ của mình dù muộn còn hơn không. Cậu bé 15 tuổi muốn bắt đầu quyết định cuộc đời mình, được bố mẹ nhìn nhận đúng khả năng, sở thích và bắt đầu lại môi trường học tập phù hợp hơn.

Không ép con học trường chuyên nhưng chị Hải cũng đau đầu vì vô tình tạo cho con tính ngạo mạn, ỷ lại khi gửi cậu ấm vào lớp có người nhà làm chủ nhiệm. Chị Hải kể do con trai là cháu đích tôn của dòng họ nên được cưng chiều từ nhỏ. Nhà chị lại nghề giáo viên lâu đời nên Phương - con trai chị luôn nhận sự ưu ái ở mọi cấp học. Tuy nhiên, gần đây chị Hải nhận thấy dường như sự giáo dục con mình từ trước đến nay vẫn chưa đúng. Minh ở nhà được bố mẹ, ông bà lo chăm sóc từng chút một đến lớp thì bác ruột cân nhắc điểm số; bỏ qua nhiều lỗi nên hay kiêu căng nghĩ việc gì mình cũng làm tốt, làm giỏi. “Nhờ sự nâng đỡ của thầy cô nên con tôi luôn được xếp học lực giỏi nhưng thật sự tôi biết sức học của cháu không được vậy. Thêm việc gia đình luôn ca ngợi tự hào nên cháu ngày càng ‘không biết mình là ai’”, chị Hải nói. Để rèn luyện tính cách cho cậu con trai, chị Hải quyết định sang năm lớp 10 sẽ chọn trường nội trú có kỷ luật tốt để Minh học cách làm quen sống độc lập.

Cùng quan niệm rèn con như chị Hải, vợ chồng anh Hoàng ở Quan Nhân, Hà Nội cũng đang tìm trường cấp 3 nội trú cho con. Sau khi tham khảo, anh chị quyết định chọn cấp 3 FPT. Ban đầu, anh Hoàng cũng lo khi để con tự xoay sở trong môi trường nội trú vì bé út ở nhà được cưng chiều hết mực. Nhưng lên tận nơi, tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất, các hoạt động sinh hoạt của trường, anh Hoàng yên tâm hơn nhiều. Anh nói: "Học ở trường thường, riêng khoản đưa đi đưa về rồi học thêm đã tốn nhiều thời gian của bố mẹ, hoặc nếu để các con tự đi thì nhiều khi cũng mỏi mệt mà không yên tâm. Tuy cho con học nội trú xa nhà, nhưng cả ngày ở trong trường có thầy cô kèm cặp, lịch trình học hành rèn luyện quy củ, lại không phải học thêm hay nhồi nhét, vợ chồng tôi đều ưng".

Anh kể thêm, con anh hào hứng nhất với việc sẽ học theo cách dạy mới không phải ôm vở tụng thuộc lòng suốt ngày, lại được sinh hoạt các câu lạc bộ nghệ thuật; còn anh thì biết ở trường con được tăng cường học tiếng Anh, lại có nhiều sinh viên quốc tế trong cùng khuôn viên trường nên cũng hợp với việc định cho con đi du học sau này. "Thằng bé có vẻ thích, chắc một phần vì thoát vòng kiểm soát của bố mẹ. Nhưng vợ chồng tôi cũng yên tâm vì có thầy cô ở cạnh 24/24, lại có hotline với hệ thống liên lạc điện tử . Cũng cho nó sống xa nhà đi cho quen, 3 năm nữa còn cho đi du học", anh Hoàng cho biết thêm.

Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Hải, việc lựa chọn trường cho con cái theo học nói riêng, và việc giáo dục con cái nói chung - bao giờ cũng là mối quan tâm lớn của phụ huynh, đặc biệt ở ngưỡng chuyển tiếp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông. Giai đoạn này không chỉ đơn thuần là chuyển cấp, chuyển trường, mà còn là giai đoạn quan trọng mang tính chất chuẩn bị để bước vào giai đoạn học sau phổ thông sau này, lại cũng là giai đoạn có những thay đổi rất lớn trong tâm sinh lý tuổi mới lớn.

Phụ huynh không nên ép con em của mình dự thi vào những trường có điểm cao, vượt quá khả năng học tập của các em. Phụ huynh có thể tham khảo điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT những năm trước và thông tin hệ thống trường lớp tuyển sinh trung học 2014-2015. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần xem lại những yếu tố khác liên quan đến việc chọn trường như: phương pháp giáo dục, môi trường sinh hoạt ngoại khóa…

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT FPT cho rằng bên cạnh việc học chung một chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục đào tạo với các khối kiến thức đồng nhất, mỗi học sinh là một cá nhân với những cá tính khác nhau và không thể rập khuôn mô hình "trường chuyên lớp chọn" hay sớm áp đặt điểm số, lo toan "vượt trội" hay "đứng đầu" lên các em. Điều quan trọng nhất với lứa tuổi trung học phổ thông, là được tạo môi trường sống đúng lứa tuổi của mình, dần rèn luyện tinh thần trách nhiệm, kỷ luật tốt, cũng như bước đầu độc lập với vòng tay của cha mẹ. Đây là những tiền đề cơ bản cho thành công của các em sau này và là những điều học sinh nội trú sẽ nổi trội hơn. "Chỉ 3 năm nữa khi bước vào đại học, dù muốn hay không các con cũng sẽ rời xa vòng bảo bọc của bố mẹ.

Các bậc phụ huynh nên đặt niềm tin vào con em mình, và chắp cánh sớm cho con tập bay trong tầm kiểm soát ngay từ ngưỡng trung học phổ thông thay vì giữ rịt con bên mình chăm chút từng ly từng tý", ông chia sẻ.

Văn Hữu

Nguồn tin: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/dau-dau-chon-truong-cap-3-cho-con-2980886.html