Thi riêng, dưới điểm sàn vẫn có thể vào được đại học
Thi riêng - không gây xáo trộn lớn!
Nói về lý do vì sao chuyển thi từ “3 chung” sang “3 riêng”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Kỳ thi “3 chung” kéo dài hơn 10 năm và đã được xã hội đánh giá cao. Nhưng hiện nay, nếu tiếp tục kỳ thi “3 chung” thì không phù hợp với thực tế, với luật Giáo dục Đại học mới và phù hợp với xu thế phát triển.
Bộ thay đổi phương án tuyển sinh vì Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã thay đổi mục tiêu đào tạo, thay vì kiểm tra kiến thức học sinh chuyển sang kiểm tra năng lực của học sinh.
Để đảm bảo quá trình chuyển từ phương thức thi “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức sang phương án tuyển sinh riêng do từng trường đảm nhiệm diễn ra trong trật tự, nghiêm túc, không gây xáo trộn lớn trong xã hội cũng như sự lo lắng của học sinh và phụ huynh, Bộ chủ trương giao cho các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh
Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh của các trường. Để giúp các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng và tránh gây “sốc” với thí sinh, trong vòng 3 năm tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “3 chung”. Từng trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các yêu cầu, nội dung mà bộ đưa ra.
Tuyển sinh “3 riêng” khác về cách ra đề thi, cách đánh giá xét tuyển. Các trường phải kiểm tra được năng lực của hs để phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của mình… đây là phương án bộ mở ra cho các trường. Do đó, các trường không ngại thi "3 riêng".
Với thi riêng yêu cầu học sinh có kiến thức tổng hợp vì khi trường kiểm tra năng lực toàn diện, học sinh không thể học vẹt được. Các em phải học đều để có tư duy tấtcả các môn.
Thứ trưởng Ga cho rằng: “Mục đích thi riêng để thí sinh có thể khẳng định được năng lực của mình và các trường tuyển được thí sinh theo ngành đào tạo của mình, “3 chung” không làm được điều này. Nếu các trường dùng kết quả “3 chung” xét tuyển, vậy 3 năm nữa Bộ không tổ chức thi chung nữa thì lấy kết quả đâu mà xét. Chúng ta phải hiểu rõ thi riêng để tạo điều kiện cho các trường. Không thể lẫn lộn giữa thi chung và thi riêng".
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại buổi đối thoại ngày 26/12/2013.
Kiểm tra kiến thức toàn diện học sinh
Trước câu hỏi, các trường tuyển sinh khó không phải do thiếu thí sinh mà nhiều vấn đề. Nay thi riêng vất vả tốn kém lại không được dùng kết quả chung, nhiều trường sẽ không thực hiện tuyển sinh riêng. Thứ trưởng nghĩ sao?
Các trường tuyển sinh riêng không phải không có lý. Trong tuyển sinh riêng, sẽ đánh giá được năng lực của thí sinh. Những em dưới điểm sàn vẫn có thể vào đại học vì các trường tuyển sinh riêng (có nhiều hình thức thi như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển - PV), phỏng vấn, kiểm tra năng lực để chọn thí sinh phù hợp với ngành đào tạo của mình.
Các trường muốn có thí sinh vào học phải nâng cao chất lượng đào tạo, tạo uy tín, bằng chiến lược đào tạo của mình. Tuyển sinh riêng với những trường khó tuyển sinh sẽ lựa chọn phương án phù hợp để tuyển được thí sinh. Sắp tới, Bộ sẽ ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại các trường ĐH, CĐ.
Với hình thức thi mới, các trường được tự chủ tuyển sinh, chỉ thi 1 môn và kết với với phỏng vấn, kiểm tra năng lực. Như vậy, nhiều ý kiến lo ngại thí sinh sẽ chỉ học 1 môn để thi?
Giao tự chủ tuyển sinh cho các trường, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội. Thí sinh không phải thi theo khối, bắt buộc các môn. Các trường chủ động lựa chọn môn thi và kết hợp với các hình thức xét tuyển khác. Ví dụ, thí sinh giỏi toán thì chọn trường ưu tiên thi môn toán và xét tuyển… đây là hướng mở, hướng mới.
Không thể xảy ra hiện tượng học sinh chỉ học 1 môn bởi thi riêng yêu cầu học sinh có kiến thức tổng hợp vì khi trường kiểm tra năng lực toàn diện, học sinh phải có kiến thức chung mới làm được và không thể học lệch được. Các em phải học đều để có tư duy tất cả các môn.
Nhiều ý kiến cho rằng thi riêng sẽ dẫn tới tiêu cực như ôn thi, luyện thi thưa Thứ trưởng?
Chúng ta cứ luẩn quẩn với hình thức thi cũ không phù hợp với phương thức hiện nay. Các trường phải hiểu rằng, hiện nay chúng ta đang đi ra con đường mới. Các trường cần tìm ra cho mình phương thức thi tốt. Cách ra đề thi làm sao để tuyển được thí sinh có năng lực thực sự vào trường. Như vậy thì cần phải kiểm tra kiến thức năng lực tổng hợp của học sinh.
Vậy Bộ có biện pháp gì để khắc phục tình trạng ôn thi đại học?
Trong dự thảo tuyển sinh riêng, Bộ đã yêu cầu không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Các trường tuyển sinh riêng, Bộ yêu cầu công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.
Hiện nay, các trường tùy theo suy nghĩ, chiến lược của mình đề ra phương án thi cho tốt.
Bài học cay đắng nên phải có "ngưỡng"
Khi cho phép các trường tuyển sinh riêng, nhiều ý kiến băn khoăn về việc ra đề, tiêu cực sẽ nảy sinh ở khâu này. Bộ có biện pháp nào giúp các trường ra đề thi?
Tư duy ra đề thi theo hình thức cũ là kiểm tra học thuộc lòng thì không đổi mới toàn diện giáo dục được. Bản chất đổi mới lần này là thay đổi căn cơ cách ra đề thi. Chúng ta phải nghĩ ra cách thi khác để hạn chế bất cập trong quá khứ và đạt được mục tiêu của đổi mới tuyển sinh. Bộ đã giao quyền cho các trường thì đề thi là nhiệm vụ mà trường phải làm. Do đó, bộ sẽ không làm giúp. Các trường có thể tự ra đề hoặc kết hợp với các trường để ra đề.
Thứ trưởng giải thích ngưỡng tối thiểu của tuyển sinh riêng như thế nào?
Ngưỡng của tuyển sinh riêng như điểm sàn hiện nay. Các trường không thể lấy dưới ngưỡng được mặc dù thiếu thí sinh.
Bài học cay đắng nhất đối với các đào tạo khác như tại chức, liên thông vừa qua là không có ngưỡng để kiểm soát chất lượng dẫn đến chất lượng kém. Chúng ta đã nhận thấy và rút kinh nghiệm. Do vậy, không thể bỏ ngưỡng.
Chúng ta đưa vào đề án tuyển sinh riêng là phải có ngưỡng chất lượng nhất định để các trường lấy thí sinh từ thấp đến cao nhưng đến một ngưỡng nhất định chứ không phải tuyển để để lấp đầy chỉ tiêu.
Hiện nay Bộ chưa biết được đề án tuyển sinh của các trường như thế nào nên chưa thể nói ngưỡng đến đâu. Nhưng các trường muốn tuyển sinh riêng phải đưa ra ngưỡng trong đề án để xã hội giám sát. Nếu tuyển sinh dưới ngưỡng là không được. Ví dụ có 50 chỉ tiêu nhưng chỉ có 20 thí sinh đạt ngưỡng thì đành phải chấp nhận chứ không thể lấy dưới ngưỡng đã đưa ra được.
Bên cạnh đó, tuyển sinh riêng để các trường ngoài công lập có cơ hội cạnh tranh với trường công lập thể hiện uy tín của mình, được xã hội đánh giá cao. Xoá đi mặc cảm xã hội nhìn nhận hiện nay.
Thứ trưởng chia sẻ gì với các thí sinh chuẩn bị dự thi đại học năm 2014?
Bất kỳ phương án tuyển sinh nào trước khi áp dụng đều được Bộ GD-ĐT cân nhắc kỹ càng, được xã hội đóng góp ý kiến. Chính các em học sinh hãy mạnh dạn góp ý để các trường có được phương án tuyển sinh phù hợp nhất.
Kỳ thi tuyển sinh 2014 sẽ không có thay đổi lớn về cách thức thi, các em học sinh hãy vững tâm, học ôn một cách bình thường như lâu nay.
Những năm tiếp theo, các trường chuẩn bị phương án tuyển sinh riêng hoặc cục bộ, hoặc cả trường. Các em học sinh nên chuyển hướng từ học thuộc sang học hiểu, vận dụng sáng tạo kiến thức, biến những kiến thức học được thành của mình bằng cách tổng hợp, phân tích, để có thể tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng của các trường.
- Ngày 28/12/2013: Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh riêng, các nhà trường căn cứ vào Quy chế này để đưa ra phương án tuyển sinh riêng đáp ứng đúng yêu cầu; - Ngày 10/2/2014: Hạn cuối các trường ĐH, CĐ nộp phương án tuyển sinh về Bộ GD-ĐT. Những phương án này sẽ được công bố rộng rãi các phương tiện truyền thông để lấy ý kiến đóng góp trong toàn xã hội. - Ngày 10/3: Bộ GD-ĐT công bố danh sách các trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng. Những thông tin này sẽ được Bộ GD-ĐT đưa vào nội dung quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014”. |
Hồng Hạnh (ghi)
Thảo luận: