Giữ thi chung, bỏ điểm sàn?
TT - Đó là ý kiến của tác giả Đặng Hữu và GS Lâm Quang Thiệp gửi đến Tuổi Trẻ, cùng đưa ra những quan điểm riêng của mình nhằm góp ý thêm cho cải tiến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tuổi Trẻ xin được giới thiệu hai bài viết này và mong muốn nhận thêm các ý kiến khác liên quan đến việc cải tiến kỳ thi tuyển sinh, tại địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn.
“Ba chung” hiện nay vẫn cần thiết
"Mỗi trường tự định ra phương thức tuyển sinh của mình, đề ra những tiêu chí tuyển chọn phù hợp với đặc điểm của trường mình" Ông Đặng Hữu |
Nếu bộ muốn thật sự đổi mới theo nghị quyết trung ương 8 và Luật giáo dục ĐH, thì ngay năm nay bộ không nên phân chia trường tuyển riêng trường tuyển chung mà giao quyền tự chủ tuyển sinh cho tất cả các trường. Bộ hỗ trợ các trường bằng cách tổ chức tốt cuộc thi “ba chung” nhưng không có điểm sàn, không theo khối. Như thế sẽ có những trường chỉ dựa vào thi “ba chung” nhưng tiêu chí lựa chọn không nhất thiết theo tổng điểm của khối thi mà theo những môn học cần nhất cho trường mình.
Có những trường đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau, căn cứ vào kết quả học tập và thi ở bậc trung học, kết quả thi “ba chung”, kết hợp với phỏng vấn, kiểm tra năng lực, có trường tổ chức thi riêng... Mỗi trường tùy theo đặc điểm của mình có biện pháp bảo đảm tuyển được những người có khả năng học được với cách dạy cách học, cách tổ chức quá trình đào tạo của trường, bảo đảm tốt nhất chất lượng đầu ra. Thay vì tuyển hộ cho trường, bộ nên tăng cường kiểm tra, thanh tra, đánh giá chất lượng đào tạo các trường, xử lý nghiêm các sai phạm. Bộ nên từ bỏ cách quản lý chặt đầu vào lỏng đầu ra, không hợp chủ trương cải cách hành chính, không theo kịp thời đại. Đó mới là chức năng kiến tạo, tạo sự phát triển thay vì chức năng chỉ huy kiểm soát.
Kỳ thi “ba chung” hiện nay vẫn cần thiết do thi tốt nghiệp phổ thông chưa đáng tin cậy, nhưng không phải là kỳ thi tuyển để bộ tuyển thay cho trường, mà để tạo thuận lợi giúp các trường có căn cứ tuyển chọn, cho nên phải bỏ điểm sàn rất không có căn cứ khoa học, không tính tổng điểm cho từng khối, mà chỉ cần cấp giấy xác nhận kết quả thi từng môn học của từng thí sinh, để làm một căn cứ cho các trường tuyển theo yêu cầu của mình. Trong một hai năm tới phải hợp nhất với kỳ thi trung học phổ thông thành một kỳ thi, vừa để cấp bằng tốt nghiệp phổ thông cho học sinh, vừa làm căn cứ để các trường xét tuyển sinh; phần lớn các nước đều lấy bằng tốt nghiệp phổ thông để sơ tuyển sau đó phỏng vấn, kiểm tra năng lực... rồi còn đào thải trong quá trình học tập, không phải đầu vào thế nào thì đầu ra thế ấy.
Để tiến tới một kỳ thi duy nhất - kỳ thi quốc gia nhằm giảm bớt tốn kém cho xã hội, khuyến khích sự học thực, dạy thực, không phải học chỉ cốt để thi, cơ bản tình trạng luyện thi tràn lan, Bộ cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kỳ thi tốt nghiệp hiện nay, không nên giao cho địa phương, không nên cho miễn thi 20%....
ĐẶNG HỮU
Chỉ nên duy trì “2 chung”
"Ở nước ta có lẽ không ít hơn 90% trường ĐH không đủ khả năng tổ chức một kỳ thi tuyển sinh thật sự có chất lượng" GS Lâm Quang Thiệp |
Không nên nhầm lẫn hai khái niệm “tự chủ tuyển sinh” với “tự chủ tổ chức kỳ thi tuyển sinh” vào trường ĐH. “Tự chủ tuyển sinh” chính là quyền của trường ĐH mà Luật giáo dục ĐH của ta quy định, và phần lớn các nước tiên tiến công nhận. Nhưng không có nước tiên tiến nào để cho từng trường ĐH tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng cho mình, vì rằng tổ chức một kỳ thi tuyển sinh thật sự có chất lượng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và rất tốn kém, một trường ĐH bình thường không đảm đương được. Các trường ĐH ở Mỹ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh rất cao, nhưng không có trường nào tự tổ chức thi tuyển sinh, mà hơn 4.200 trường ĐH, CĐ đều dựa vào kết quả hai dịch vụ thi SAT và ACT để tự chủ tuyển sinh.
Như vậy tất yếu ở nước ta cần phải có một vài dịch vụ thi tuyển sinh chung để phần lớn trường ĐH dựa vào đó mà tự chủ tuyển sinh. Nếu Nhà nước không muốn làm thì có thể bật đèn xanh và tạo điều kiện cho một vài trường ĐH có khả năng tổ chức dịch vụ chung đó để phần lớn các trường còn lại dựa vào thực hiện “tự chủ tuyển sinh” cho trường mình.
Trong thời gian vài năm tới bộ chỉ nên duy trì thi tuyển sinh “hai chung” (đề chung, thi chung), còn cái chung thứ ba (sử dụng kết quả chung) nên để cho từng trường tự quyết định. Việc tổ chức thi “hai chung” hoàn toàn không xâm phạm quyền tự chủ của trường, mà giúp các trường thực hiện quyền tự chủ tốt hơn, có chất lượng hơn. Tuy nhiên, quy định điểm sàn chung - một yếu tố nằm trong cái chung thứ ba - vừa vi phạm quyền tự chủ của nhà trường, vừa thiếu khoa học. Bởi vì mỗi trường có sứ mạng khác nhau, mỗi ngành đào tạo có yêu cầu khác nhau về năng lực thí sinh, hãy để cho họ chọn kết quả của từng môn thi. Họ cũng có thể nhân các hệ số khác nhau cho các môn thích hợp với từng ngành đào tạo để xét tuyển.
Tính thiếu khoa học của quy định điểm sàn còn ở chỗ: điểm của ba môn có phân bố thống kê hoàn toàn khác nhau, mà cộng lại để lấy một điểm chung là vô nghĩa. Có người nói: vẫn cần một mức sàn để đảm bảo chất lượng tối thiểu. Xin thưa: mức sàn chung cho cả nước chính là bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Chính nhiều nước tiên tiến quan niệm như vậy: ví dụ mọi học sinh có bằng tú tài có quyền ghi danh vào học các trường đại học Pháp, chỉ các trường ĐH đòi hỏi tuyển chọn rất cao mới tổ chức thêm kỳ thi bổ sung. Ở nhiều nước khác các trường ĐH cũng xét tuyển trên cơ sở học sinh có bằng tốt nghiệp phổ thông.
Một số người băn khoăn: nếu để các trường tự xét tuyển thì nhiều trường sẽ tha hồ “vơ bèo vớt bọt”, chất lượng không đảm bảo. Để tránh tình trạng đó, bộ nên đòi hỏi các trường công bố trước tường minh cách xét tuyển, xã hội sẽ biết đánh giá. Hơn nữa, cần quan tâm đầu ra hơn là đầu vào.
GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP
Nguồn tin: http://tuoitre.vn/Tuyen-sinh/589998/giu-thi-chung-bo-diem-san.html
Thảo luận: