Bộ GD-ĐT chỉ chấp nhận đề án tuyển sinh riêng phù hợp với quy định
Liên quan đến vấn đề tự chủ tuyển sinh và đề xuất phương án tuyển sinh mới của nhiều trường đại học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Bất kỳ phương án tuyển sinh nào trước khi áp dụng đều được Bộ GD-ĐT cân nhắc kỹ càng, được xã hội đóng góp ý kiến. Bộ sẽ ban hành quy chế chung hướng dẫn việc thực hiện. Các trường xây dựng đề án tuyển sinh cho trường mình dựa vào các qui định chung đó. Cơ quan quản lý nhà nước, xã hội, người dân có thể dựa vào đó để kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các yêu cầu của công tác tuyển sinh: công bằng, khách quan, đảm bảo chất lượng nguồn tuyển...”.
“Bộ không cấp phép, không phê duyệt đề án tự chủ tuyển sinh của các trường mà chỉ xác nhận đề án tuyển sinh đó có phù hợp hay không phù hợp so với qui định chung" - Thứ trưởng Ga khẳng định.
Theo Thứ trưởng Ga, đến thời điểm này, Bộ đã nhận được hơn 70 ý kiến của các trường góp ý cho dự thảo quy định về tuyển sinh ĐH, CĐ. Đa số các ý kiến đều nhất trí với quy định của dự thảo. Các ý kiến cho rằng dự thảo phù hợp với lộ trình đổi mới tuyển sinh, phù hợp điều kiện chuẩn bị của từng trường cũng như có thời gian cần thiết để thí sinh đổi mới cách học, cách thi, không gây lo lắng cho phụ huynh, học sinh.
Được biết, khi Bộ GD-ĐT giao tự chủ tuyển sinh đến các nhà trường ĐH, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn trước. Bởi tuyển sinh riêng không thi theo khối, bắt buộc các môn, mà các trường sẽ có những phương án tuyển sinh đa dạng khác nhau, có thể là thi một môn kết hợp phỏng vấn… mở rộng cơ hội cho các thí sinh bằng đa dạng đề thi, không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp vào trường của mình.
Trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đề ra lộ trình 3 năm, để học sinh vào lớp 10 năm nay vẫn có thể thi “3 chung” sau 3 năm nữa. Và các học sinh học theo chương trình với cách dạy - học mới sẽ thích nghi với cách thi mới. Đây là lý do Bộ GD-ĐT không thay đổi tuyển sinh ngay, tránh gây sốc trong xã hội.
Vẫn phải có điểm sàn!
Vừa qua, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có bản góp ý về Dự thảo tuyển sinh mới của Bộ GD-ĐT. Trong bản dự thảo, Hiệp hội đề xuất “5 bỏ”. Cụ thể, bỏ điểm sàn, bỏ tuyển sinh theo khối, bỏ cấm các trường không được sử dụng điểm thi của các trường khác (tự chủ tuyển sinh), không bắt nộp đề án tự chủ, sang năm tổ chức 1 kỳ thi quốc gia.
Nhiều lãnh đạo trường công lập đã không đồng tình với những ý kiến trên và cho rằng như vậy sẽ rất khó kiểm soát đầu vào.
Theo ý kiến của PGS.TS Trịnh Minh Thụ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cho rằng: “Những ý kiến của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đưa ra cũng rất tốt, nhưng đó là về lâu dài, còn trong những năm trước mắt không thể phù hợp.Vẫn phải có điểm sàn vì nếu không có điểm sàn cũng chẳng khác nào bỏ thi, ai thích vào học thì vào, trường nào muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Như vậy chắc chắn sẽ rối loạn, chất lượng đầu vào không đảm bảo”.
Theo ông Thụ, trước mắt, vẫn phải có kỳ thi đại học vì đây là kỳ thi được đánh giá đảm bảo công bằng, minh bạch, chính xác nhất trong tất cả các kỳ thi. Giữ kỳ thi này, có thể có vất vả cho thí sinh, nhưng như thế mới đánh giá được chính xác chất lượng đầu vào của các trường.
PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý việc các trường tuyển sinh riêng cần phải có đề án rõ ràng nếu đáp ứng đầy đủ nội dung qui định, bởi chính đề án này là “qui chế tuyển sinh của trường” mà các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội dựa vào đó để kiểm tra, giám sát. Hãy thử đặt lại vấn đề, nếu trường không có đề án tuyển sinh riêng thì dựa vào đâu để kiểm tra, phân định việc đúng sai, công bằng hay không công bằng?
Còn theo GS Vũ Minh Giang, trước mắt, Bộ GD-ĐT vẫn tiến hành quản lý Nhà nước theo cách xem xét các Đề án tuyển sinh riêng của các trường, và nếu duyệt được thì cho họ thi trước. Còn các trường còn lại thi “3 chung” đợt sau. “3 chung” sẽ xác định điểm chuẩn của năm tuyển sinh là bao nhiêu, và trường cần tuyển thêm thí sinh từ điểm chuẩn đó vẫn tuyển được, làm sao đó đừng tạo ra sự xáo trộn lớn trong một hệ thống thi cử khi thay đổi chưa đồng bộ, hoàn hảo ngay.
GS Giang cho rằng, tiến tới lý tưởng là có một kỳ thi ta gọi chung là đánh giá căn bản năng lực, tổ chức một năm nhiều lần (như ở Mỹ đang làm). Cái đó gọi là thi SAT cho ĐH - đánh giá năng lực bằng cách cho điểm. Điểm đó có thể đi các nơi, trường này lấy 700, trường kia lấy 600. Đó là điều kiện tối thiểu. Còn những trường chất lượng cao thì có thêm những bài test của mình. Như vậy, các nhà trường ĐH sẽ không mất thời gian để đánh giá lại năng lực tổng hợp, phân tích… của thí sinh. Bởi kỹ năng, năng lực tiềm ẩn… của thí sinh đã được đánh giá bởi một hệ thống thi chung của cả nước. Thí sinh chỉ việc cầm bảng điểm của mình đến các trường, mà không phụ thuộc vào các kỳ thi của trường này trường kia.
Cần đặt ra một số những nguyên tắc tiếp cận. Chẳng hạn như ta định đi tới thay thế một hệ thống thi mới, giao chủ yếu cho các trường. Nhưng cách tiếp cận phải là quá độ.
Hồng Hạnh (ghi)
Thảo luận: