(Báo Năng Lượng Mới) Một lần nữa Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định, 3 năm tới vẫn thi tuyển sinh đại học “3 chung”. Tuy nhiên, trong năm 2014 có thể một số trường sẽ được Bộ GD&ĐT đồng ý cho tuyển sinh riêng theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học “các trường có thể tuyển sinh bằng 3 hình thức: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp vừa thi tuyển vừa xét tuyển”.

“Tư” hăng hái - “công” ngần ngại

Để tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh riêng, nói như Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD&ĐT đã rất “mở” trong đợt tuyển sinh này, các trường có thể được chọn môn thi, không theo khối, theo ngành, tùy thuộc vào yêu cầu của trường. Hình thức thi cũng đa dạng, phù hợp với ngành nghề cũng như mục tiêu mà các trường đang đào tạo. Các trường có thể chọn một trong 3 phương án thi: thực hiện đề án tuyển sinh riêng đã được Bộ xác nhận; tham gia kỳ thi “3 chung” hoặc có thể thỏa thuận với các trường có đề án tuyển sinh riêng để phối hợp tuyển sinh chung. Bên cạnh quy định về hình thức thi, Bộ GD&ĐT còn đưa ra 5 yêu cầu đối với các trường và 5 tiêu chí đánh giá đề án tuyển sinh riêng.

Không dễ tuyển sinh riêng trong năm 2014

Không dễ tuyển sinh riêng trong năm 2014

Mặc dù vậy, tất cả các trường “hăng hái” đăng ký tuyển sinh riêng đều là trường ĐH, CĐ ngoài công lập, các trường công lập đều tỏ ra khá e dè với phương án tự chủ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - PGS.TS Đinh Xuân Khoa - đã không ngần ngại trả lời tại cuộc đối thoại trực tuyến rằng, kỳ thi ĐH “3 chung” hiện đang được xã hội đồng tình, vì có sự an toàn, nhất là trong khâu ra đề. Thi “3 chung” sẽ tạo ra mặt bằng chung cho chất lượng giáo dục ĐH, đảm bảo tính ổn định của cả hệ thống. Với những ưu điểm của kỳ thi “3 chung”, ĐH Vinh thấy không có nhu cầu thay đổi.

Để chuẩn bị cho kỳ thi "3 chung" sẽ kết thúc trong vòng 3 năm tới, các trường ĐH cần xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp và hạn chế tiêu cực

Trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, có đến 17 trường ngoài công lập trình Bộ GD&ĐT đề án tuyển sinh riêng và đã phải mòn mỏi đợi chờ. Vậy nhưng, khi biết tin Bộ sẽ cho phép tuyển sinh riêng vào năm 2014, lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập lại tỏ ra chán nản. Ông Nguyễn Văn Nhã - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi băn khoăn: “Bộ cho tự chủ nhưng khống chế nhiều điều kiện như vậy, chúng tôi còn phải nghĩ có nên ra “ở riêng” không. Tuyển sinh chỉ là một khâu trong đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng. Bộ hãy cho các trường được tự chủ tuyển sinh theo quy định của luật. Các trường sẽ biết làm thế nào để đảm bảo chất lượng đầu vào và tạo dựng thương hiệu cho mình”.

Nhiều trường ĐH, CĐ khác thì khẳng định trường vẫn sẽ theo phương án thi “3 chung” vì lý do: Thí sinh có thể dùng chung kết quả thi, không trúng tuyển trường này còn xét tuyển được vào trường khác. Thi chung thì có Nhà nước lo, còn tuyển sinh riêng thì trường nào phải tự lo cho trường ấy, cuốn theo bao thứ phát sinh, tăng thêm bộ máy, gây tốn kém… Vì vậy, hầu hết các trường công lập đều không mặn mà với tuyển sinh riêng. Đến nay, hầu như chỉ có Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội và ĐHQG TP HCM là chủ trương xây dựng phương án tuyển sinh riêng.

An toàn làm gốc

Cùng với việc ủng hộ Bộ GD&ĐT trao quyền tự chủ cho các trường tuyển sinh riêng, nhiều nhà quản lý cũng băn khoăn ở vấn đề làm sao để kiểm soát chất lượng với các trường tuyển sinh riêng? Bên cạnh đó, dư luận cũng bày tỏ nghi ngại: Nếu các trường được tự chủ tuyển sinh mà bỏ kỳ thi ĐH “3 chung”, sẽ bùng phát tiêu cực và nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, đặc biệt là “lò luyện thi” tại các trường ĐH, CĐ như trước đây?

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, hiện nay các trường công lập không mặn mà tổ chức thi riêng vì thi “3 chung” các trường không gặp vấn đề gì về nguồn tuyển, hơn nữa khâu quan trọng nhất là đề thi cũng do Bộ GD&ĐT ra đề. Tuy nhiên, khi không còn thi “3 chung” thì các trường phải có phương án tuyển sinh phù hợp với mục tiêu và đặc thù của trường mình để tuyển chọn người học có đủ năng lực theo học.

Theo dự thảo, các trường ĐH tuyển sinh riêng thì phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó nhấn mạnh 3 yêu cầu: Chấm dứt tình trạng luyện thi đại học, không có tiêu cực và đảm bảo chất lượng thí sinh chứ không được lấy cho đủ chỉ tiêu.

GS.TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, nhận xét đây là những điểm yếu mà ngay cả trong phương án thi 3 chung hiện nay vẫn chưa giải quyết được. Bằng chứng là hiện nay vẫn có dạy thêm học thêm và luyện thi ngày đêm. Vẫn có tiêu cực xảy ra ở các Hội đồng thi dù Bộ đã thanh kiểm tra gắt gao. Và hằng năm, sau mỗi kỳ thi Bộ GD&ĐT vẫn phải họp hội đồng điểm sàn để tính điểm cho các khối thi.

Nếu như Bộ còn không xử lý dứt điểm 3 tồn tại này thì các trường làm sao mà thực hiện nổi. Do đó dù Bộ có tuyên bố “mở lồng” bằng cách trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tuyển sinh cho các trường và đặt ra hạn chót để kết thúc phương án thi 3 chung vào năm 2017 thì nhiều trường cũng không dám tuyển sinh riêng bởi có 3 “con mèo” đang chờ ngoài lồng. Đồng ý bỏ thi “3 chung” nhưng GS Văn Như Cương vẫn kiến nghị: “Bộ GD&ĐT cần có một bộ “lọc” chuẩn để tuyển sinh riêng không làm tái diễn những tiêu cực trong thi cử đã có từ nhiều năm trước như: Chạy điểm, các lò luyện thi cạnh trường mọc lên vô tội vạ, một thí sinh có thể thi nhiều trường gây tốn kém…”.

Bản thân GS Bành Tiến Long - người được mệnh danh là “cha đẻ” của “3 chung” cũng cho rằng: “Thuận lợi lớn nhất chính là thực hiện tính tự chủ của các trường ĐH và thực hiện được Luật Giáo dục ĐH. Sẽ có nhiều khó khăn trong bảo đảm chất lượng đề thi, lựa chọn phương án tuyển sinh thích hợp và khả thi… Vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo kỷ cương trong thi cử khi có nhiều yếu tố tiêu cực tác động vào giáo dục.

Giao các trường tự tổ chức tuyển sinh riêng thì cơ chế giám sát duy nhất của Nhà nước là các văn bản pháp quy và các đoàn thanh tra, kiểm tra. Điều đặc biệt cần chú ý là tính “tự chịu trách nhiệm” của các trường. Thực ra, chỉ riêng bảo đảm chất lượng đề thi cũng đã đảm bảo được 50% hoặc trên 50% cơ chế giám sát. Khi các trường tổ chức thi riêng, tự ra đề, tự làm công tác tuyển sinh, cũng không nên đòi hỏi “đồng mức” ở mọi yêu cầu. Tất yếu một vài năm đầu có thể khó khăn, nhưng dần dần sẽ khắc phục được”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Bộ GD&ĐT sẽ khống chế bằng những quy định để chất lượng đầu vào không quá thấp với các trường tuyển sinh riêng”. Thứ trưởng cho rằng, Bộ khống chế như vậy để không phát sinh hiện tượng các tổ chức, cá nhân là cán bộ giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi; Không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; Phối hợp để tổ chức tốt công tác kiểm tra giám sát; Công bố rộng rãi phương án tuyển sinh để xã hội giám sát.

Theo dự thảo tuyển sinh 2014, Bộ yêu cầu các trường có phương án tuyển sinh riêng phải quy định ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Về “ngưỡng tối thiểu” này, Thứ trưởng cho biết: “Phương án tuyển sinh của các trường rất đa dạng, có trường thi tuyển, có trường xét tuyển, có trường vừa thi vừa xét vì vậy mỗi trường có một ngưỡng tối thiểu đảm bảo chất lượng khác nhau. Bộ không áp đặt ngưỡng tối thiểu đối với các trường tổ chức thi riêng.

Ngưỡng này do các trường tự đề xuất và phải được xã hội chấp nhận. Các chuyên gia của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT cũng sẽ xem xét ngưỡng đó có đảm bảo chất lượng tuyển sinh hay không. Bộ không thể đưa ra một ngưỡng chung vì phương án của các trường đưa ra rất phong phú”.

Để các trường tuyển sinh riêng có chất lượng tốt, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, sẽ kiểm soát ngay từ khi các trường gửi đề án tuyển sinh riêng. Trong đề án tuyển sinh này các trường phải trình bày cụ thể môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài đối với mỗi môn thi đặc biệt là các điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Các phương án tuyển sinh phải chứng minh được tính khách quan thì mới được chấp nhận. Theo đó, khi tuyển sinh riêng, các trường phải làm thế nào để lựa chọn đúng thí sinh có năng lực để học ngành nghề đặc trưng theo đúng yêu cầu.

Theo tác giả Khánh An, báo Năng Lượng Mới

Nguồn tin: KenhTuyenSinh