Luyện thi khối B có thể thi những ngành nào?
Khối B có những ngành nào?
TTO - Gia đình muốn em thi vào ngành dược nên em đã chú tâm học khối B nhưng em biết sức mình khó đậu ngành này. Giờ em không thể chuyển sang khối thi khác. Xin tư vấn giúp em ngành nào khối B vừa sức. (nguyenthanhtrang59..@...)
Thí sinh dự thi vào ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) năm 2013. Ảnh: Như Hùng |
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: Thi khối B, ngoài ngành dược còn có rất nhiều ngành khác như: các nhóm ngành nông lâm nghiệp: Nông học, Bảo vệ thực vật, Lâm nghiệp, Chăn nuôi, Thú y; nhóm ngành Công nghệ sinh học, ngành Công nghệ thực phẩm, nhóm ngành Môi trường… rất nhiều.
Gia đình em bắt em thi vào ngành Dược, nhưng em có thích ngành này không? Nếu em sợ năng lực không đủ vào ngành này thì em có thể thi vào các ngành khác có thể làm việc trong lĩnh vực dược như: Công nghệ hóa học, Công nghệ sinh học hay chuyên ngành dược thú y thuộc ngành thú y của Trường đại học Nông lâm TP.HCM.
* Cho em hỏi ngành hóa thực phẩm có nằm trong nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học không? Sự khác biệt giữa Công nghệ thực phẩm và hóa thực phẩm là gì? Ngành Hóa thực phẩm và Công nghệ thực phẩm học gì và làm gì sau khi ra trường? (truongquangson@...)
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành hóa thực phẩm nằm trong nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học. Công nghệ thực phẩm là ngành ứng dụng nhiều công nghệ trong việc bảo quản và chế biến các loại thực phẩm bao gồm cả công nghệ hóa học, còn ngành hóa thực phẩm chuyên sâu vào ứng dụng công nghệ hóa học vào chế biến thực phẩm.
Tốt nghiệp hai ngành này có thể làm việc ở các viện nghiên cứu thực phẩm, dinh dưỡng; các công ty chế biến thực phẩm (thịt, sữa, ca cao, cà phê, chè, chế biến rau quả, đồ hộp…).
Ngành Công nghệ thực phẩm là một ngành đang phát triển mạnh, đặc biệt là các nước nông nghiệp như Việt Nam. Hiện tại các sản phẩm nông sản (thịt, sữa, thủy sản…) ở nước ta được chế biến chưa nhiều, thông qua chế biến mới nâng cao giá trị hàng hóa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Vì vậy đây là một ngành có nhu cầu nguồn nhân lực cho tương lai đối với Việt Nam là rất lớn.
Học ngành Mội trường thì tốt nghiệp ra trường làm việc ở sở tài nguyên môi trường cấp tỉnh, thành phố, phòng tài nguyên môi trường các quận, huyện, các ban quản lý khu công nghiệp, các công ty xử lý rác thải, nước thải; các công ty dịch vụ môi trường…
* Chào thầy. Em tên Hải. Thầy cho em hỏi học ngành công nghệ sinh học thì sau này sẽ làm công việc cụ thể gì? Và nếu xin việc thì xin ở những công ty nào? Học ngành này muốn phát triển tốt việc du học nước ngoài thì nên chọn nước nào? Môn ngoại ngữ nào là tốt nhất đối với ngành này?
TS Nguyễn Kim Quang – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM): Cử nhân CNSH có thể làm những công việc cụ thể như sau:
• Cán bộ nghiên cứu trong các trường, viện, cơ quan y tế (viện kiểm định-kiểm nghiệm; bệnh viện; viện nghiên cứu...).
• Cán bộ kỹ thuật trong các đơn vị sản xuất cần trình độ về sinh học, công nghệ sinh học: vi sinh, sinh hóa, sinh học phân tử, tài nguyên và môi trường, chuyển hóa sinh học… (xí nghiệp dược phẩm; công ty chế biến thực phẩm, nông phẩm, thủy hải sản...).
• Cán bộ giảng dạy môn sinh ở các bậc phổ thông, cao đẳng, đại học...
• Cán bộ quản lý khoa học trong các sở, trường, viện…
Hiện tại CNSH đã được đầu tư đào tạo và phát triển tốt ở rất nhiều nước trên thế giới nên muốn phát triển tốt ngành này phổ lựa chọn cho bạn sẽ rộng, không bị hạn chế về trình độ của nước đó, quan trọng là trình độ của cá nhân có thể tiếp cận được gì và thích hợp với nước nào. Trong đó, cũng như các ngành công nghệ khác, Mỹ vẫn là nước có sự phát triển mạnh hơn cả.
Về ngoại ngữ, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính được sử dụng để công bố trong các bài báo nghiên cứu và tài liệu tham khảo về sinh học.
MINH GIẢNG
Nguồn tin: http://tuoitre.vn/Tuyen-sinh/592725/khoi-b-co-nhung-nganh-nao.html
Thảo luận: