TT - Việc Bộ GD-ĐT quyết định bổ sung 20 huyện HS có quyền ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ, cộng với Chính phủ có nghị quyết cho học sinh trong 61 huyện nghèo cả nước được ưu tiên tuyển thẳng vào ĐH, CĐ... khiến lượng hồ sơ tuyển thẳng năm nay tăng mạnh.

Và nhiều thí sinh đã chọn hai hướng: vừa đi thi vừa nộp hồ sơ xét tuyển thẳng.

Những thí sinh đặc biệt

Ngày 3-7, trong hơn 1.000 thí sinh đến làm hồ sơ dự thi tại Trường ĐH Tiền Giang có một số thí sinh rất đặc biệt. Đó là những học sinh của huyện Tân Phú Đông vừa được Bộ GD-ĐT bổ sung vào danh sách huyện có học sinh được quyền ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013.

Nguyễn Thị Diễm Trinh (học sinh Trường THPT Phú Thạnh) cho biết đã nộp hồ sơ xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Cần Thơ. Trước đó em đã đăng ký dự thi cả hai đợt thi ĐH năm nay. “Em đi hỏi nhiều thầy cô, hỏi cả ở Sở GD-ĐT nhưng thông tin về tuyển thẳng rất mơ hồ. Thấy vậy nên em chỉ gửi hồ sơ thử xem sao, còn bản thân vẫn ôn luyện để thi vào các trường đã đăng ký. Sức học của các bạn trong lớp không trội, thi tốt nghiệp điểm cũng không cao nên chưa biết lúc xét tuyển thẳng sẽ ra sao”.

Xe thiết giáp của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đưa thí sinh và người nhà qua khu vực ngập nước để đi thi - Ảnh: Thiều Chung

Xe thiết giáp của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đưa thí sinh và người nhà qua khu vực ngập nước để đi thi - Ảnh: Thiều Chung

Còn thí sinh Trần Hoàng Phi (học sinh Trường THPT Phú Thạnh) cũng lo lắng: “Mình nghe thầy cô nói là được tuyển thẳng nhưng mơ hồ lắm. Người thì nói là phải học khá ba năm phổ thông, người thì nói không cần điều kiện gì. Do chưa chắc nên mình phải đăng ký dự thi ở các trường để tránh trường hợp không được xét tuyển thẳng vào trường mình muốn”.

Ông Nguyễn Văn Đương - hiệu trưởng Trường THPT Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông - cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT trường đậu tốt nghiệp 100%, kỳ thi ĐH lần này tổng số hồ sơ của trường đăng ký dự thi là 315, trong đó có 157 hồ sơ đăng ký dự thi đợt 1.

“Do chưa có quy chế cụ thể về việc tuyển thẳng nên trường khuyến khích các em vừa tự lực đi thi vừa làm hồ sơ xét tuyển thẳng. Nếu căn cứ theo quy chế trước đây cũng chỉ có thể có khoảng 23 em đủ chuẩn để được tuyển thẳng” - thầy Đương nói.

Ông Phan Văn Nhẫn, quyền hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết nhà trường đã tiếp nhận hồ sơ dự thi của 54 thí sinh đến từ huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang).

“Hiện nay trường vẫn lúng túng trước công tác tuyển thẳng các học sinh huyện Tân Phú Đông. Dự kiến 54 thí sinh này có điểm thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm vẫn sẽ được ưu tiên. Còn về những trường hợp xin xét tuyển thẳng phải xin ý kiến UBND tỉnh vì còn phải mở lớp cho các em học văn hóa một năm”.

Học lực trung bình cũng đăng ký xét tuyển y dược

Ông Huỳnh Hữu Tiến, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh, cho biết hiện tại sở đang tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ của thí sinh huyện Trà Cú xét tuyển thẳng vào ĐH. Ông Lê Tấn Đoàn, hiệu trưởng Trường THPT Đôn Châu (huyện Trà Cú), cho biết hiện trường có tổng cộng 111 học sinh tốt nghiệp đều đăng ký thi ĐH, CĐ như mọi năm. Trong đó, có 99 học sinh làm hồ sơ đăng ký xét ưu tiên tuyển thẳng ĐH.

“Do hồ sơ đăng ký thi ĐH, CĐ kết thúc từ tháng 4, trong khi thông tin ưu tiên tuyển thẳng thông báo từ tháng 6 nên không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý học sinh. Phần lớn các em đều đăng ký dự phòng, chứ không chủ quan trong thi cử chính quy bởi nhiều em chủ động đăng ký thi CĐ phù hợp với năng lực của mình” - ông Đoàn chia sẻ.

Trong khi đó ông Trần Huỳnh Song, hiệu trưởng Trường THPT Long Hiệp (huyện Trà Cú), cho rằng trường có 101 học sinh tốt nghiệp đều đăng ký thi ĐH, CĐ bình thường. Nhưng khi hay tin được ưu tiên tuyển thẳng ĐH, hầu hết học sinh của trường đổ xô đăng ký hồ sơ xét tuyển, có em làm đến ba hồ sơ (quy định không giới hạn) nên hồ sơ xét tuyển hơn 140. “Có nhiều em học lực trung bình, khá cũng đăng ký xét tuyển ĐH Y dược TP.HCM và ĐH Y dược Cần Thơ là chuyện không hợp lý. Tuy nhiên đó là quyền lựa chọn của các em bởi xét duyệt tuyển thẳng ở các trường này không hề dễ dàng và chỉ tiêu rất ít” - ông Song nói.

Học một năm, lại... xét tiếp

Ngày 3-7, ông Nguyễn Minh Trí, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết đến thời điểm này hội đồng tuyển sinh đã nhận được 2.628 hồ sơ xét tuyển thẳng của các huyện nghèo thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu và Hậu Giang. Theo đó, An Giang có hồ sơ xét tuyển cao nhất là 1.398 (riêng huyện An Phú có 341 hồ sơ). Đa số thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm và công nghệ thông tin (khối A).

Cũng theo ông Trí, ĐH Cần Thơ sẽ không giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên thí sinh phải có hộ khẩu thường trú ba năm trở lên, học ba năm và tốt nghiệp tại các trường THPT thuộc 22 huyện nghèo của Tây Nam bộ. Các thí sinh được xét tuyển sẽ phải học bổ sung kiến thức một năm từ chương trình dự bị ĐH, sau đó lấy kết quả học tập làm căn cứ rồi mới xét vào các ngành ĐH. “Sau khi có kết quả thi ĐH năm nay, trường mới bắt đầu xét tuyển diện này”, ông Trí nói.

Trong khi đó, Trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết số lượng xét tuyển thẳng sẽ không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường và yêu cầu xét tuyển cũng sẽ cao. Cụ thể, các thí sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực Tây Nam bộ phải có xếp loại học lực các năm lớp 10, 11, 12 và thi tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi. Đến nay, trường chỉ mới nhận được 173 hồ sơ (trong đó tỉnh An Giang có 109 hồ sơ) xét tuyển, chủ yếu vào ngành y.

Ông Phạm Minh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - cho biết năm 2012 trường nhận được hơn 600 hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng từ học sinh huyện nghèo. Năm nay, số huyện nghèo được hưởng chính sách mở rộng nên dự báo số hồ sơ đăng ký sẽ tăng. Trường dự kiến vẫn giữ chỉ tiêu tuyển sinh diện này khoảng 10% so với tổng chỉ tiêu. Theo đó, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 của trường là 4.950, trường có thể sẽ tuyển khoảng 500 chỉ tiêu học sinh huyện nghèo.

Tại ĐH Thái Nguyên, năm 2012 trường đã nhận hơn 3.000 hồ sơ và xét tuyển thẳng cho hơn 2.000 học sinh huyện nghèo. Theo PGS.TS Đặng Kim Vui - giám đốc ĐH Thái Nguyên, việc xét tuyển thẳng đối tượng này sẽ được trường tiếp tục triển khai, song ở mỗi ngành đào tạo thì điều kiện tuyển sinh cũng sẽ được đặt ra không giống nhau để bảo đảm chất lượng.

Tháng 8 công bố kết quả xét tuyển

Ngày 3-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định đây là một chủ trương đặc biệt cho vùng kinh tế khó khăn. Năm 2012 là năm đầu thực hiện chủ trương này, nhiều thí sinh chưa nắm được nên số lượng đăng ký không nhiều, cả nước có khoảng 5.000-6.000 thí sinh được xét tuyển thẳng. Năm nay, nhiều thí sinh huyện nghèo biết đến chủ trương nên số lượng thí sinh gia tăng. Theo báo cáo gửi Bộ GD-ĐT, ĐH Cần Thơ nhận được 2.600 hồ sơ, ĐH Đà Nẵng nhận được 350 hồ sơ (năm 2012: chưa đầy 100 hồ sơ), Trường ĐH Vinh nhận 450 hồ sơ.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm việc áp dụng tuyển thẳng với học sinh huyện nghèo là phù hợp vì đây là các em sống ở vùng kinh tế khó khăn, điều kiện vô cùng thiếu thốn, việc đi học là một nỗ lực đáng khích lệ. Ngoài ra, kể cả khi đã được xét tuyển thẳng theo các tiêu chí của từng trường thì đối tượng này vẫn phải học bổ sung kiến thức một năm. Sau năm học này, nhà trường tiếp tục đánh giá, rà soát, chỉ em nào đủ khả năng theo học ĐH mới được lựa chọn đào tạo ĐH, nếu không sẽ được phân tuyến xuống đào tạo trình độ CĐ hoặc trung cấp. Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, cuối tháng 8 các trường sẽ thông báo chính thức về kết quả xét tuyển thẳng học sinh huyện nghèo.

TuoiTre.vn