Ngày 17/4, Đoàn giám sát của HĐND TPHCM làm việc với Sở GD-ĐT và Sở Nội Vụ về thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước với giáo dục mầm non (GDMN). Ông Bùi Ngọc Âu - Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP HCM cho biết nếu theo báo cáo của Sở Nội vụ thì năm học 2013-2014 giao chỉ tiêu tuyển thêm 16.684 giáo viên mầm non (GV MN) nhưng 24 quận, huyện mới tuyển được 14.478 GV, còn thiếu đến hơn 2.200 người. Trong khi thực tế theo thống kê của Sở GD-ĐT thì số lượng GV thiếu còn cao hơn nhiều (thiếu khoảng 5.000 người - PV). Thiếu giáo viên MN, nhất là GV chăm sóc độ tuổi nhà trẻ (6-18 tháng) vì không có nguồn tuyển.

Cần tìm ra bản chất của tình trạng thiếu hụt giáo viên mầm non để có giải pháp. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Ông Âu cho rằng ngành giáo dục TP phát hiện tình trạng thiếu GV MN trở nên nghiêm trọng khi TP bắt đầu triển khai chương trình phổ cập MN 5 tuổi. Trước đó, tình trạng thiếu chỉ xảy ra ở khu vực nội thành còn ngoại thành thì ít học sinh nên thừa người dạy. Trong khi đó, tỷ lệ dân số cơ học mỗi năm không ngừng gia tăng, nhưng trung bình mỗi năm TP lại có trên 2.000 GV MN nghỉ việc hoặc thuyên chuyển công tác.

Nguyên nhân tuyển không đủ theo ông Âu là do ít người chịu vào học làm GV MN, tâm lý của phụ huynh chỉ thích cho vào đại học, không muốn con vào ngành với điều kiện làm việc không có mối quan hệ giao tiếp xã hội, thời gian làm việc quá nhiều mà, vất vả mà thu nhập lại thấp. Nên dù chỉ tiêu có nhiều thì cũng không tuyển được.

Trong khi đó, ông Lâm Trung Nhân - Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cũng thừa nhận rằng giải pháp về mặt chính sách của TP mới chỉ là kể từ năm 2009 chấp nhận cho 5 quận huyện ngoại thành được tuyển GV có KT3.  Ngoài ra không có chính sách khuyến khích nào khác để hút người vào làm GV MN.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chất vấn: Ngành học MN, GV MN đang thiếu nôm na giống như là “chỗ trũng” nhưng vì sao “nước không chảy về” được, nguồn nhân lực không chịu vào? Báo chí vẫn cảnh báo thường xuyên rằng rất nhiều em sinh viên ra trường không xin được việc làm, như vậy tại sao ngành MN đang thiếu, ra trường có việc làm ngay mà vẫn không thu hút được người học? Nếu nói rằng từ khi làm phổ cập MN 5 tuổi mới phát hện được vấn đề thì có chính xác không? Như vậy thì vai trò quản lý nhà nước ở đâu, tầm nhìn đến đâu?

Một vấn đề nữa đặt ra là vì sao sau giải phóng chúng ta lo được cho khối nhà trẻ? Các cơ quan, xí nghiệp và các quận huyện đều có nhà trẻ. Bây giờ chúng ta lại nói rằng thiếu chương trình đào tạo. Nói thế là vô lý và thiếu trách nhiệm. Vậy trước đây “cô nuôi dạy trẻ” ở đâu ra nếu không phải nhà nước, hệ thống giáo dục mình đào tạo? Quan trọng là xem lại cái gì còn phù hợp thì tiếp tục, còn không thích hợp thì mới đổi mới.

“Để bỏ ngỏ nhóm trẻ từ 18 tháng tuổi trở xuống thì trách nhiệm trước hết chính là do công tác lãnh đạo của ngành giáo dục, cần xem lại tư duy giáo dục. Nếu nói để xã hội hóa thì vấn đề quản lý xã hội hóa như thế nào cũng không có. Mình cứ nói xã hội hóa nghe có vẻ hay nhưng thực chất là đang đẩy trách nhiệm quản lý nhà nước cho xã hội mà không băn khoăn gì để đến giờ mới có hậu quả như hiện nay. Quản lý chế độ, chính sách cho đội ngũ GV ngoài công lập như thế nào? Ngành Giáo dục nói chỉ quản được những trường công lập còn mảng xã hội hóa thì không được thì hỏng rồi!”, Chủ tịch HĐND TP ý kiến.

Bà Quyết Tâm cho rằng các đơn vị quản lý phải đưa ra được bản chất của việc không thu hút được giáo sinh là thế nào chứ không phải chỉ phác họa lại bức tranh của xã hội như thế nào. Những nguyên nhân nêu trên xã hội cũng đã biết rồi, nếu chỉ nhìn thấy vậy và than khó thì vai trò quản lý ở đâu? Cái chính làm sao để tham mưu được cho Thành ủy giải quyết được bài toán đó. “Chính sách khuyến khích của chúng ta hiện nay như vậy thì không ai vào là đúng rồi. Câu trả lời chính là thu nhập và môi trường làm việc thôi. Các cơ quan quản lý phải có chính sách khuyến khích mà thành phố có thể làm được ngay”, bà Quyết Tâm nhấn mạnh.

Ông Bùi Ngọc Âu thừa nhận bậc MN trước nay chưa được đầu tư như các bậc học khác và mới được chú ý kể từ khi thực hiện phổ cập MN. Ngành giáo dục đề xuất tăng thêm mức đầu tư cho bậc MN từ năm học tới, cụ thể: suất đầu tư cho trẻ nhà trẻ từ 10.065.000đ lên hơn 11.500.000đ/năm; trẻ mẫu giáo từ 6.572.000đ lên 8.086.000đ/năm. Bên cạnh đó, ông Âu cũng đề xuất chức danh cụ thể cho bảo mẫu, cấp dưỡng mới thu hút được nhân lực này.

Lê Phương

Nguồn tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tai-sao-nganh-mam-non-khong-thu-hut-duoc-nguoi-hoc-864149.htm