Lắc đầu với trẻ từ 6 tháng

Từng bước thực hiện đưa trẻ từ 6 tháng tuổi vào trường mầm non học, TPHCM đang khởi động thực hiện thí điểm ở một số quận huyện nơi tập trung đông công nhân.

Khi nghe đến việc tiếp nhận trẻ từ 6 tháng tuổi, quản lý nhiều trường mầm non (MN) công lập hết sức rụt rè. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì trường lớp MN lâu nay đã luôn trong tình trạng thiếu chỗ, quá tải. Thực hiện đề án phổ cập MN 5 tuổi, họ đã phải “loại” trẻ lứa tuổi khác, còn đâu chỗ cho trẻ nhỏ hơn? Như một cái thùng, cố gắng đến mấy cũng chỉ có thể chứa lượng nước nhất định, muốn thêm vào chỉ cách... bớt ra.

Nhiều trường tư thục thà thiếu học sinh, để ế phòng học chứ không dám nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi. 

Điều này được minh chứng có những quận ở TPHCM không có trường MN công lập nào nhận trẻ 6 - 12 tháng tuổi. Còn các quận tỷ lệ trẻ độ tuổi này ra lớp cực kỳ thấp.

Tại quân Bình Tân, khi Trường MN Hương Sen ở phường Bình Trị Đông B được “gọi tên” thí điểm nhận trẻ 6 tháng tuổi, bà Nguyễn Thái Thùy Dương - Phó Chủ tịch phường đã than ngay: “Trường Hương Sen quá tải bao lâu nay, đã phải “đẩy” nhiều trẻ mầm, chồi dành chỗ cho trẻ 5 tuổi thì nhận trẻ 6 tháng bằng cách nào?”.

Chị Ngọc Thu, nhà ở Q. Thủ Đức cho hay, quay lại đi làm sau 6 tháng nghỉ thai sản, không tìm được chỗ gửi con nên chị đành nghỉ việc ở nhà giữ con. Lúc con được 1 tuổi vẫn không tìm được chỗ gửi, chị buộc phải gửi con vào nhà trẻ không phép.

Ngay đến trường tư thục cũng hiếm hoi nơi nào dám nhận trẻ lứa tuổi này. Thậm chí nhiều trường đang trong tình thiếu trẻ dẫn đến không đủ kinh phí hoạt động nhưng chấp nhận bù lỗ còn hơn nhận trẻ lứa tuổi.

Trường MN T.T (Q. Thủ Đức) mới có 30 trẻ, trong khi khả năng đáp ứng 300 trẻ, nhiều lớp đang bỏ trống. Đại điện nhà trường cho hay, mỗi tháng đang phải bù lỗ 20 triệu nhưng trường vẫn không dám nhận trẻ 6 - 12 tháng, chỉ nhận trẻ đã biết đi.

Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát Hội đồng Nhân dân TPHCM, bà Phan Thị Như Lưu, hiệu trưởng Trường MN Chim Cánh Cụt, Q7 nói thẳng: “Chúng tôi không dám nhận trẻ lứa tuổi này bởi hàng loạt điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện đi cùng, trường không thể đáp ứng được”.

Đây cũng là câu trả của quản lý nhiều trường MN ngoài công lập khác!

Trông trẻ 6 tháng tuổi: Đừng vội vàng!

Việc các trường “từ chối” trẻ 6 - 12 tháng tuổi là điều dễ hiểu. Yêu cầu về chăm sóc trẻ ở lứa tuổi này rất cao, phức tạp đòi hỏi các điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên (GV) khắt khe. Trường công thì kín chỗ, cũng hoạt động trong cảnh thiếu GV. Còn trường tư, đáp ứng được các tiêu chí cơ bản để hoạt động đã là cả một vấn đề khi cơ sở thuê mướn, GV luôn biến động.

Hơn nữa, với trẻ lớn mỗi GV có thể phụ trách 15 - 20 trẻ, lứa tuổi nhỏ chỉ 5 - 8 trẻ trong khi học phí, chế độ chính sách cho GV giữ trẻ lứa tuổi này không khác nhiều so với trẻ lớn hơn. 

Gánh áp lực phổ cập mầm non 5 tuổi, việc "mở đường" cho trẻ từ 6 tháng tuổi vào trường học không hề dễ dàng. 

Bà Trần Thị Thúy Huyền - Hiệu trưởng Trường MN Vy Vy (Q. Bình Tân) cho hay trường chỉ nhận trẻ 18 tháng trở lên bởi: “Trách nhiệm an toàn với trẻ nhỏ cực lớn, trường không kham được. Nhận trẻ nhỏ, mỗi cô chỉ chăm 5 trẻ thì nguồn thu chẳng thể đủ để trả lương”.

Chưa kể, đề xuất giữ trẻ 6 tháng tuổi được đưa ra khi hiện nay các trường Sư phạm chưa có giáo trình đào tạo GV dạy trẻ từ 6 tháng tuổi mà chỉ tập trung đào tạo GV dạy trẻ từ 24 tháng trở lên.

PGS.TS Lê Văn Tiến - hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM chia sẻ, mỗi GV “gánh” được 4 - 6 trẻ từ 6 tháng tuổi thì cũng… te tua. Ở gia đình, có khi chỉ một đứa trẻ đã làm bố mẹ phát khùng.

“Việc đưa trẻ từ 6 tháng tuổi trường MN cần được chuẩn bị một cách kỹ càng, đặt chất lượng lên hàng đầu, còn nếu chúng ta chạy theo số lượng thì chúng ra sẽ phải trả giá”, ông Tiến cho hay.

Chưa đủ trường lớp, cơ sở vật chất và thiếu luôn cả giáo viên nên xuất giữ trẻ 6 tháng tuổi dù xuất phát từ nhu cầu có thực của người dân nhưng đang gặp nhiều rào cản với lời cảnh báo: Đừng vội vàng, hấp tấp!

Hoài Nam

Nguồn tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tha-lo-chu-khong-nhan-tre-tu-6-thang-tuoi-844429.htm