TTO - Ngày 13-1, đoàn công tác của Thành ủy TP.HCM do ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - làm trưởng đoàn đã làm việc với huyện Bình Chánh về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng phát triển quản lý trường mầm non, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện và công tác chăm lo tết.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: Mai Hương

Báo cáo với đoàn công tác, bà Thái Hồng Mai, phó bí thư Huyện ủy Bình Chánh, cho biết huyện có 52 cơ sở mầm non hoạt động không phép, nhiều nhất ở xã Vĩnh Lộc A (20 nhóm), Vĩnh Lộc B (15 nhóm). Đa số chủ cơ sở là người ở tỉnh vào tạm trú thuê nhà để giữ trẻ.

Trẻ được gửi phần lớn cũng là con em người dân nhập cư nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Tổng số tiền học và tiền ăn chỉ ở mức 700.000-800.000 đồng/tháng, thời gian gửi từ 6 giờ sáng đến 19 giờ, từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần.

Theo bà Mai, huyện đã phân loại các cơ sở thành 3 loại: 13/52 cơ sở loại A (là những cơ sở tương đối đủ điều kiện), 22/52 loại B (cơ sở có triển vọng), 17/52 cơ sở không đủ điều kiện.

Bà Mai cho biết quan điểm của huyện là kiên quyết xử lý 17 cơ sở không đạt yêu cầu. Những học sinh đang học tại những cơ sở này sẽ được phân vào học tại các trường có phép trên địa bàn.

Về công tác tuyên truyền, đề nghị các xã, thị trấn thông tin trên đài truyền thanh của xã về những nhóm lớp không đủ điều kiện nhận học sinh để phụ huynh biết và không gửi con ở những cơ sở trên.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải yêu cầu huyện Bình Chánh cần tập trung xử lý chuyện trường lớp cho trẻ mầm non. 17 cơ sở đóng cửa với khoảng 400 cháu phải được quan tâm giải quyết chỗ gửi.

Theo ông Lê Thanh Hải, TP đã có kinh nghiệm trong việc cho chủ nhà trọ vay không lãi để sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê theo đúng chuẩn. Đề nghị huyện Bình Chánh thống kê, lập danh sách, điều tra kỹ nhu cầu từng cơ sở cần sửa chữa, nâng cấp hạng mục gì để đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ.

Trên cơ sở đó, huyện sẽ làm đầu mối, TP sẽ ứng vốn cho vay không lãi suất.

“Vấn đề của Bình Chánh không phải không có đất để làm mà vấn đề là vốn. Nên thống nhất quan điểm những cơ sở chưa đạt yêu cầu buộc phải đóng cửa thì cả hệ thống phải chung tay để xem trong bao lâu sẽ có được cơ sở đạt chuẩn - cái này phải tính toán. Huyện rà lại nếu có trường hợp người dân cần tiền để nâng cấp thì huyện phải làm đầu mối để đề xuất thành phố giải quyết” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP - đề nghị sau khi kiểm tra tổng rà soát - khi chờ đủ điều kiện cấp phép, với các cơ sở giữ trẻ được phân loại A, B thì huyện nên cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cấp phép cho nhanh.

Bên cạnh đó, các trường công lập trên địa bàn phải hỗ trợ về chuyên môn cho các cơ sở, các trường tư thục. Giáo viên, bảo mẫu chưa đủ điều kiện thì phải cho học lớp bồi dưỡng của cô nuôi dạy trẻ.

Ông Đạt cũng đề nghị huyện nghiên cứu mở lại những lớp giữ trẻ từ 6 tháng đến dưới 12 tháng tuổi - đây là độ tuổi có nhu cầu giữ trẻ rất lớn nhưng hiện nay còn là “khoảng trống”.

Tuy nhiên, ông Đạt lưu ý là phải tập huấn cho đội ngũ giữ trẻ này thật kỹ lưỡng.

MAI HƯƠNG

Nguồn tin: http://tuoitre.vn/Giao-duc/589951/tp-hcm-ung%C2%A0von-cho-co-so-mam-non-vay-nang-cap.html