TT - Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp chiều 7-2 do Thường trực Thành ủy TP.HCM triệu tập nhằm giải quyết kiến nghị của các quận, huyện về công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non.

Ông Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu kết luận cuộc họp - Ảnh: Như Hùng

Cuộc họp do ông Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy TP, chủ trì cùng với sự tham dự của giám đốc các sở, ngành, bí thư quận, huyện ủy trên địa bàn...

8 quận, huyện thí điểm

Báo cáo tại cuộc họp, bà Thái Thị Bích Liên - phó chánh văn phòng Thành ủy TP - cho biết: “TP có 419 trường mầm non công lập, 2.987 nhóm, lớp, trường mầm non tư thục. Trong đó có 1.959 nhóm, lớp, trường MN tư thục có phép; 1.028 nhóm, lớp, trường mầm non tư thục không phép. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã kiểm tra 1.028 nhóm, lớp, trường không phép và hướng dẫn 162 nhóm, lớp, trường đủ điều kiện cấp phép; kiên quyết giải tán 866 nhóm, lớp, trường không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, tập trung nhiều tại quận Bình Tân và Thủ Đức”.

Cũng theo bà Liên, hiện toàn TP có 1.060 giáo viên, bảo mẫu, người giữ trẻ tại các nhóm, lớp, trường MN tư thục không phép. Trong đó có 284 người tốt nghiệp sư phạm, 153 người có tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, 286 người có trình độ học vấn 12/12. Số còn lại có trình độ thấp, không có chuyên môn, không qua trường lớp đào tạo, chủ yếu nhận giữ trẻ theo kinh nghiệm.

Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP, kiến nghị: “Các quận huyện cần quan tâm đầu tư xây dựng trường mầm non ở 11 phường trên địa bàn TP chưa có trường MN công lập. Giao cho các UBND quận, huyện được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trường mầm non có tổng mức đầu tư trên 30 tỉ đồng (hiện nay Sở Xây dựng phê duyệt - PV). Về đề xuất đầu tư xây dựng mỗi phường có một cơ sở công lập nhận nuôi, dạy trẻ từ 6-36 tháng của quận, huyện, Sở GD-ĐT thấy rằng: thực tế điều kiện hiện tại cần có thời gian để chuẩn bị đầy đủ về đội ngũ và cơ sở vật chất nên trước mắt xin thí điểm thực hiện chăm sóc giáo dục trẻ nhóm nhỏ tại tám trường mầm non của tám quận, huyện tập trung đông công nhân và người lao động là Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, quận 12, quận 7”.

Đến đây, ông Lê Thanh Hải hỏi ngay: Sở GD-ĐT có thể trình bày rõ hơn: thí điểm tại tám trường để rút kinh nghiệm hay chúng ta không đủ lực để làm? Ông Sơn giải thích: “Hiện trường sư phạm vẫn chưa có giáo trình đào tạo giáo viên nuôi dạy trẻ từ 6 tháng tuổi mà chỉ có giáo trình đào tạo giáo viên nuôi dạy trẻ từ 24 tháng tuổi”. Ông Sơn cũng thông tin sở đang phối hợp với các trường có đào tạo giáo viên mầm non trên địa bàn TP để nghiên cứu, biên soạn giáo trình đào tạo giáo viên nuôi dạy trẻ 6-12 tháng tuổi. Đối với học sinh độ tuổi này, công việc của giáo viên chủ yếu là chăm sóc trẻ, đối tượng là nhân viên điều dưỡng đã tốt nghiệp các trường y khoa nếu chưa tìm được việc làm thì có thể huy động, có bồi dưỡng chứng chỉ ngắn hạn về nuôi dạy trẻ thì họ có thể làm được.

Tiền không thiếu nhưng trường vẫn thiếu

Phát biểu tại cuộc họp, ông Thái Văn Rê, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP, nhấn mạnh: “Năm 2014 có 118 dự án xây dựng trường mầm non. Trong đó có 62 dự án có mức đầu tư hơn 30 tỉ đồng. Nếu muốn giải quyết nhanh thì Sở Xây dựng phải bố trí cán bộ tập trung vào việc này. Tiền chúng ta không thiếu, chủ yếu là phê duyệt thôi. Bởi tổng kinh phí cho 118 dự án trên chỉ là một phần nhỏ so với tổng kinh phí mà HĐND TP đã phê duyệt”.

Thế nhưng, bà Đào Thị Hương Lan - giám đốc Sở Tài chính - lại cho rằng: “Đúng là 118 dự án chỉ chiếm một phần kinh phí so với mức mà HĐND phê duyệt nhưng giáo dục không chỉ có mầm non. Chúng ta cần xem xét lại, ưu tiên ghi vốn cho mầm non nhưng chỉ dựa vào vốn ngân sách tập trung thì không đủ. Tôi đề xuất cho kéo dài thời gian trả vốn kích cầu so với quy định hiện nay để khuyến khích các đơn vị xây dựng trường”.

Ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP, thừa nhận: “TP đang quá tải về dân nhập cư. Các dự án được triển khai nhưng không dành đất cho giáo dục, chủ yếu là phân lô, xây dựng nhà ở. Tôi yêu cầu các quận, huyện phải rà soát lại việc này, phải thống kê cụ thể số trẻ 6 tháng tuổi hiện đang gửi ở nhà trẻ là bao nhiêu. Trên cơ sở đó sẽ tính đến việc xây dựng thêm trường công lập và hỗ trợ các nhóm trẻ gia đình hoàn thiện cơ sở vật chất bằng cách cho vay vốn không lãi suất”.

Phát biểu chỉ đạo kết luận cuộc họp, ông Lê Thanh Hải khẳng định: “Trong mọi hoạt động, việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em phải đưa lên hàng đầu. Trong vòng hai năm 2014, 2015 chúng ta phải phủ kín điều kiện chăm lo cho các cháu từ 12 tháng tuổi trở lên, từ cơ chế chính sách, cơ sở vật chất nuôi dạy trẻ đến đội ngũ giáo viên. Sau cuộc họp này, Sở GD-ĐT cần xây dựng ngay kế hoạch đào tạo giáo viên mầm non, cơ chế chính sách cho họ...; xây dựng đề án có lộ trình về việc nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi và phải hoàn thành vào cuối tháng 2. Khi xây dựng đề án cần tính đến tất cả số trẻ trên địa bàn, bởi TP sẽ chăm lo cho tất cả các cháu, không phân biệt trẻ có hộ khẩu hay KT3, KT4”.

HOÀNG HƯƠNG

Ông LÊ HỒNG SƠN (giám đốc Sở GD-ĐT TP):
Mỗi năm cần bổ sung khoảng 3.000 giáo viên mầm non
Trong năm học 2013-2014 TP.HCM thiếu 5.000 giáo viên cho trường, nhóm, lớp mầm non công lập (chưa tính ngoài công lập) nếu chiếu theo quy định của Bộ GD-ĐT. Những năm qua, một số trường phải sử dụng đội ngũ bảo mẫu để sắp xếp mỗi lớp học một giáo viên và một bảo mẫu thay thế cho giáo viên. Năm 2014 sẽ có 1.300 giáo sinh mầm non tốt nghiệp, con số này tính cả các em ở tỉnh khác. Nếu các trường được nhận giáo viên diện KT3 (tức là nhận hết 1.300 giáo sinh) thì vẫn thiếu 3.700 giáo viên. Đến năm 2015 TP thiếu 4.400 giáo viên - tính theo sự đầu tư xây dựng trường lớp. Do đó, mỗi năm TP cần bổ sung khoảng 3.000 giáo viên mầm non”.
Nhiều trường, lớp mầm non mở cửa sớm đón học sinh
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, ngày 11-2 (mồng 10 tháng giêng) các trường MN mới hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do yêu cầu của phụ huynh, nhiều trường, nhóm, lớp mầm non tư thục trên địa bàn TP đã mở cửa đón trẻ ngay từ mồng 6 tết.
Bà Phạm Thụy Diễm Sương - chủ nhóm trẻ Hồng Cúc, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh - cho biết: “Do đa số phụ huynh ở đây đều làm công nhân và buôn bán nên họ phải đi làm từ mồng 5 tết. Mồng 6 tết nhóm trẻ hoạt động trở lại để phụ huynh yên tâm làm ăn. Ngày đầu tiên có khoảng 50% số cháu đi học thì đến mồng 8 các cháu đã đi học đầy đủ. Hoạt động sớm nhưng học phí chúng tôi vẫn không tăng giá vì phụ huynh cũng đâu có được tăng lương”.
Điều này cũng diễn ra tại lớp mầm non Phượng Vỹ, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. “Do các cô giáo về quê tận miền Trung nên mồng 8 chúng tôi mới có thể đón trẻ. Ngay ngày đầu tiên mà học sinh đi học đầy đủ do ba mẹ phải đi làm hết rồi” - bà Phạm Thị Nguyên Ly, chủ lớp mầm non Phượng Vỹ, thông tin.
Tại các quận, huyện tập trung nhiều phụ huynh là dân nhập cư như Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, hầu hết các trường, nhóm, lớp MN tư thục đều nhận giữ trẻ sớm hơn so với quy định để đáp ứng nhu cầu phụ huynh. Bà Chung Bích Phượng, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, kể: “Ở Tân Phú, các cụm trưởng trường, nhóm, lớp mầm non còn bàn bạc để tất cả các trường, nhóm, lớp tư thục đều mở cửa cùng một ngày (thời gian trước tết cũng thống nhất ngày giữ trẻ đến cận tết). Nếu nhóm nào không hoạt động sớm được thì có thể chuyển học sinh sang nhóm khác học đỡ nhưng chủ nhóm trẻ nơi này có cam kết sau đó sẽ “trả” học sinh về với nhóm cũ sau mồng 10. Cách làm này nhằm tránh việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường, nhóm, lớp trên địa bàn”.
H.HG.

Nguồn tin: http://tuoitre.vn/Giao-duc/592830/de-xuat-thi-diem-giu-tre-tu-6-thang-tuoi.html