Nhiều tỉnh vướng mắc với nhà trẻ, trường mầm non không phép
Nhà trẻ không phép "tung hoành"
Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ gây phẫn nộ dư luận xảy ra tại TPHCM cuối năm 2013 làm nhiều tỉnh thành lân cận không khỏi giật mình. Nhà trẻ không phép bị “để mắt” hơn, hàng loạt các biện pháp cũng được các địa phương đưa ra.
Nhưng kết quả mới chỉ “hớt phần ngọn”, nhà trẻ không phép vẫn tồn tại như một thách thức bởi xuất phát từ nhu cầu thực tế: chưa đủ trường lớp mầm non (MN).
Bà Phạm Thị Hoài Trang, đại diện tỉnh Bình Dương cho hay, chưa thể giải quyết được nhà trẻ không phép do thiếu trường học cho trẻ.
Bà Phạm Thị Hoài Trang - Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT Bình Dương cho hay dân nhập cư đổ về tỉnh rất đông, trường lớp không đáp ứng nổi. Chưa nói đến các nhóm tuổi khác mà ngay cả việc huy động trẻ 5 tuổi cũng chỉ mới đạt 37%.
Toàn tỉnh Bình Dương có 347 cơ sở MN chưa được cấp phép, nuôi giữ gần 8.000 trẻ. Trong đó, chỉ 95 cơ sở cam kết hoàn thiện yêu cầu để được cấp phép. Nhiều cơ sở giữ trẻ tự phát hoạt động lâu năm trong điều kiện không đảm bảo an toàn, người nuôi trẻ không có chuyên môn nhưng tỉnh chưa thể giải quyết dứt điểm.
Riêng thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), 32 trường công lập, 29 trường tư thục chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ nhu cầu gửi trẻ. Số đông phụ huynh phải gửi con tại 456 nhóm lớp ngoài công lập có phép và vẫn còn 50 cơ sở chưa phép trong tình trạng "không quản lý nổi".
Được xem là nơi ít bị áp lực nhưng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn có gần 1.200 trẻ đang được nuôi giữ tại các cơ sở chưa có phép.
TPHCM đã đi một bước rất nhanh khi chỉ trong thời gian 2 tháng (từ tháng 12/2013 đến nay) đã tăng thêm gần 170 nhà trẻ có phép, còn nhóm trẻ không phép từ trên 1.220 xuống còn 453 nhóm.
Bà Trần Thị Kim Thanh - Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ, TPHCM có chỉ thị yêu cầu đóng các cơ sở không phép là điều chưa thể thực hiện. Bởi thành phố cũng chỉ đạo quan tâm đến tất cả trẻ, kể cả trẻ không có hộ khẩu.
Người này cũng nêu ra thực tế nhiều cơ sở MN ngoài công lập thu phí thấp, cơ sở thuê mướn, khó cải tạo, thiếu sân chơi nên không đảm bảo yêu cầu chuyên môn. Việc cơ sở MN ngoài công lập tăng nhanh cũng gây khó khăn cho công tác quản lý.
Xây trường “vướng” đủ thứ
Bà Phạm Thị Hoài Trang cho rằng, quyết định 20/2005 của Bộ GD-ĐT về phê duyệt quy hoạch phát triển xã hội giáo dục 2005 - 2010, khuyến khích xây trường MN tư thục càng gây áp lực quá tải.
Bởi đất đai khu đô thị mới, khu dân cư không có quỹ đất theo chuẩn trường MN. Con em của khu vực này đa số công nhân, thu nhập thấp nên nhiều người e ngại việc đầu tư.
Cơ sở mầm non ngoài công lập giải quyết nhu cầu gửi trẻ rất lớn nhưng điều kiện lại vô cùng hạn hẹp.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ, việc xây trường MN đang vướng phải nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định các khu công nghiệp, chế xuất không có dân cư sinh sống. Đi cùng với đố, các khu này không có quỹ đất cho trường MN.
TPHCM có 15 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) với hơn 270.000 lao động. Hiện đã có 22 dự án đầu tư xây dựng trường MN, dự kiến đáp ứng cho 5.500 trẻ. Nhưng việc triển khai các dự án này rất chậm, chỉ mới 5 dự án đã đi vào hoạt động, ba dự án sắp triển khai và 14 dự án đã có quỹ đất để chuẩn bị đầu tư.
Ông Lê Hoài Nam - Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị cần điều chỉnh nghị định, cho phép bố trí công trình phục vụ tiện ích cho người lao động trong KCN, KCX. Các khu này trong quá trình phát triển, mở rộng phải có trách nhiệm đầu tư quỹ đất xây dựng trường học cho con em công nhân.
Ngoài ra, để tháo gỡ những khó khăn đang gây cản trở cho việc xây trường học cho trẻ, ông Nam cho rằng nhà nước cần tiếp tục có các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế khuyến khích xã hội hóa.
Sau khi tổ chức tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết hội thảo sẽ tiếp tục được tổ chức ở phía Bắc. Kết quả hội thảo sẽ là cơ sở rà soát, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo đề xuất Chính phủ bàn hành các cơ chế, chính sách đối với việc chăm sóc trẻ. Ngoài ra, sẽ đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu trong Quy chế tổ chức hoạt động trường mầm non tư thục (như trình độ của chủ nhóm lớp, số lượng trẻ tối thiểu, tối đa trong nhóm lớp…). |
Hoài Nam
Nguồn tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nhieu-tinh-nhuc-dau-voi-nha-tre-chui-843897.htm
Thảo luận: