'Ngoại ngữ sẽ là môn thi tốt nghiệp bắt buộc'
- Bộ Giáo dục dự định thay đổi phương án thi tốt nghiệp như thế nào, thưa ông?
- Bộ đưa ra hai phương án thay đổi thi tốt nghiệp. Phương án một, thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Hai môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp.
Phương án hai, thí sinh thi 5 môn gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Lý, Hóa, Sinh, Địa và Sử. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh không theo học hết chương trình hiện hành và thí sinh hệ giáo dục từ xa được lựa chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử sao cho không trùng 2 môn tự chọn.
Các môn Toán, Văn, Địa, Sử sẽ thi tự luận, Lý, Hóa, Sinh trắc nghiệm, Ngoại ngữ có cả hai phần thi trắc nghiệm và viết luận. Thời gian làm bài thi môn Toán và Ngữ văn là 150 phút, môn Địa, Sử và Ngoại ngữ là 90 phút, môn Lý, Hóa và Sinh là 60 phút.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Ngoại ngữ sắp tới sẽ là môn thi tốt nghiệp bắt buộc. Hiện tại Bộ không muốn đưa vào nhóm các môn bắt buộc hay tự chọn vì cách thi không đánh giá được năng lực thí sinh. Ảnh: Hoàng Thùy.
- Bộ nghiêng về phương án nào?
- Sau khi thảo luận, Bộ nghiêng về phương án một, bởi phương án hai đã lạc hậu. Nếu có sự đồng tình của dư luận thì phương án này có thể áp dụng được ngay trong năm 2014 vì thời gian từ nay đến khi thi tốt nghiệp còn dài. Bộ sẽ tiếp nhận ý kiến đến tháng 3, sau đó quyết định và ban hành quy chế. Đề thi nằm trong chuẩn kiến thức kỹ năng đã được học nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến thí sinh.
Phương án tốt nghiệp 4 môn có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ và các trường triển khai giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy theo đề án Ngoại ngữ 2020.
Còn phương án hai bắt buộc tất cả học sinh phải học Ngoại ngữ, số môn tăng lên và sẽ kéo dài phương pháp thi Ngoại ngữ đã lạc hậu.
- Ngoại ngữ được coi là môn rất quan trọng để nhân lực Việt Nam thành nhân lực toàn cầu, tại sao không được lựa chọn là môn thi bắt buộc hay lựa chọn mà lại là môn cộng điểm?
- Ngoại ngữ đúng là môn công cụ, là năng lực cần phải có trong thời kỳ hội nhập. Ngoại ngữ sắp tới sẽ là môn bắt buộc với học sinh đến lớp 12, đồng thời hướng tới học để biết, để giao tiếp chứ không phải để thi. Hiện nay, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, nôm na là thí sinh chỉ cần gật với lắc nên không kiểm tra được năng lực.
Bộ không để Ngoại ngữ là môn thi chính hay môn tự chọn vì muốn dành thời gian thực hiện đổi mới cách dạy, học và thi Ngoại ngữ theo đề án 2020 nhanh chóng đến thực chất. Nếu vẫn thi Ngoại ngữ theo cách hiện tại thì vừa không giải quyết được gì mà cả Bộ và trường đều mất thời gian. Kể cả nhà trường hiện nay dừng dạy Ngoại ngữ cũng được, cho giáo viên đi học, tập huấn theo đúng chuẩn năng lực rồi về dạy lại còn có chất lượng hơn.
- Nhiều ý kiến cho rằng, học rất nhiều môn nhưng khi thi lại bỏ qua những môn rất quan trọng như Giáo dục công dân, chỉ thi 4 môn. Điều này dễ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch?
- Tình trạng học lệch hiện vẫn có. Nhưng nếu học lệch chính đáng thì tốt đấy chứ. Học sinh học đảm bảo được mặt bằng kiến thức, sau đó dành thời gian cho lĩnh vực chuyên môn. Đây cũng là điều mà chương trình mới đang hướng tới. Tất cả các môn học đều được tham gia xét tốt nghiệp, còn thi thì chọn 2 môn sở trường kết hợp 2 môn bắt buộc. Điều này sẽ khuyến khích các em định hướng nghề nghiệp luôn.
- Nhiều người e ngại việc miễn thi cho 20% học sinh có học lực, hạnh kiểm tốt sẽ xuất hiện tiêu cực, Bộ có phương án kiểm tra, giám sát như thế nào?
- Tập thể nào cũng có một nhóm tiên tiến. Bộ quy định các trường lấy ra 20% học sinh để tuyển thẳng là xuất phát từ kinh nghiệm của những năm trước, kết quả thi tốt nghiệp có khoảng 20% tỷ lệ khá, giỏi. Những em này nếu thi thì chắc chắn đỗ nên để giảm áp lực cho các em, khâu thi cử cũng giảm được 20% phòng thi, đề thi, giám thị…, Bộ quyết định miễn thi.
Việc lựa chọn học sinh đủ tiêu chuẩn miễn thi sẽ có sự giám sát của học sinh, hội đồng giáo dục, phụ huynh… để đảm bảo những em được miễn là chính xác. Bộ cũng sẽ có thanh tra và các trường phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Hoàng Thùy
Thảo luận: