Nằm trong khuôn khổ chương trình tiếp sức mùa thi năm 2014, CLB Gia sư Thủ khoa bao gồm khoảng 30 thủ khoa các trường đại học đã đến giao lưu tại hàng chục trường như THPT Trần Hưng Đạo, THPT Hồ Xuân Hương (Q. Thanh Xuân, Hà Nội); THPT Phùng Hưng, THPT Lê Quý Đôn, THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội); THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh), THPT Đồ Sơn (Hải Phòng), THPT Nho Quan A (Ninh Bình)… trực tiếp chia sẻ những kinh nghiệm ôn thi đại học, luyện thi đại học và các “tuyệt chiêu” giải bài cũng như tiếp sức tạo động lực và tư vấn cách chọn trường thi hiệu quả.

Luyện thi đại học môn Sinh - Hóa: Điểm cao đơn giản

Tại Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh), nhiều em học sinh có đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến môn sinh. Thủ khoa Bùi Đức Ngọt (thủ khoa ĐH Y Hà Nội) chia sẻ: “Môn Sinh là một môn khoa học thực nghiệm nghiên cứu về sự sống. Kiến thức rất rộng và đan xem nhau nên không dễ gì mà nhớ được hết các chương các phần, để ôn tập tốt môn Sinh học thì điều đầu tiên học sinh phải liệt kê trong mỗi bài, mỗi chương các khái niệm. Không nhất thiết phải học thuộc các khái niệm nhưng phải hiểu bản chất của khái niệm và phân biệt các khái niệm với nhau. Ngoài ra, phải biết vận dụng linh hoạt các công thức khải niệm vào làm bài tập các dạng khác nhau.Tìm ra điểm chung, điểm riêng giữa các sự vật, hiện tượng, quy luật... trong sinh học.

Ví dụ, nên tìm ra điểm chung điểm riêng giữa các quy luật di truyền: phân li độc lập, liên kết gen, hoán vị gen với di truyền liên kết giới tính và di truyền ngoài nhân. Hoặc cần phân biệt được nội dung học thuyết tiến hóa của Đác-uyn với học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại... Ôn tập và làm bài thi thử trắc nghiệm theo từng chủ đề, từng chương. Với cách này sẽ giúp các em hệ thống hóa kiến thức tương đối tốt, đồng thời giúp các em cọ xát được các vấn đề theo các khía cạnh khác nhau.
 
Buổi tư vấn tại trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh).

Thủ khoa Bùi Đức Ngọt cho hay, do đặc thù môn Sinh học có tỉ lệ câu hỏi lí thuyết thường gấp 2 lần câu hỏi bài tập, nên các em sẽ không sợ thiếu thời gian cho việc làm bài thi môn Sinh học. Vì thế, để đạt điểm cao và tránh những sai sót không đáng có, khi làm bài thi trắc nghiệm, các em cần đọc thật kĩ câu hỏi, gạch chân dưới những từ quan trọng trong câu hỏi. Với những câu hỏi không phải là câu hỏi học thuộc lòng, thì khi đọc các đáp án, các em cần phải dành thời gian để chỉ ra được câu phát biểu đó (kết luận đó) là đúng hay sai, đúng ở chỗ nào và sai ở chỗ nào. Với cách làm như vậy, các em sẽ khẳng định được chắc chắn đáp án của mình là đúng.

Các em ở trường THPT Lê Qúy Đôn (Hà Đông, Hà Nội) thì đặt rất nhiều câu hỏi về kinh nghiệm xử lí môn Hóa, Thủ khoa Lê Văn Tùng (thủ khoa Học viện Quân y năm 2009) chia sẻ: “Các em cần vận dụng linh hoạt các kiến thức và kỹ năng vào câu hỏi cụ thể. Các kiến thức đó có thể là tính chất hóa học, cấu trúc, phương trình hóa học, thứ tự các chất tham gia phản ứng trong một thí nghiệm... để phán đoán nhanh kết quả. Bên cạnh đó, các em cần xây dựng một sơ đồ tư duy, cố gắng đọc đi đọc lại, làm các bài tập tính toán cho nhuần nhuyễn.

Về phần Hóa hữu cơ, quan trọng nhất là các tính chất nên cần học các chuỗi phản ứng để nhớ được tính chất. Cần nắm vững cách gọi tên của từng loại chất nói chung và tên riêng của chất thường được sử dụng. Áp dụng công thức tổng quát từng nhóm loại hợp chất phù hợp với yêu cầu của đề thi. Khi hiểu và thuộc được các tính chất, việc giải các bài tập sẽ dễ dàng hơn.

Về phần Vô cơ, thí sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa như phương pháp cân bằng electron, các phản ứng oxy hóa - khử, phản ứng được viết dưới dạng ion. “Kiến thức này rất quan trọng khi làm các bài tập lý thuyết. Với những câu hỏi dài, nhiều đáp án, thí sinh cần bình tĩnh đọc một lần và xâu chuỗi các dữ kiện ra nháp rồi mới giải”.

Tận dụng hiệu quả thời gian ôn thi đại học

Tại các trường THPT Đồ Sơn (Hải Phòng) và THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Thủ khoa Nguyễn Chí Long (thủ khoa ĐH Y Thái Nguyên năm 2009) ngập tràn trong các câu hỏi về môn Toán.

Chia sẻ kinh nghiệm trong phòng thi, Thủ khoa Nguyễn Chí Long cho biết: “Khi làm bài thi cần bình tĩnh, đọc toàn bộ đề bài một lần xem câu nào dễ làm trước tạo tâm lý tự tin. Trong quá trình làm bài, các em không nên chủ quan đối với những câu dễ, tránh bị mất điểm một cách đáng tiếc. Câu hỏi khó thí sinh để lại làm sau cùng. Học sinh rất hay sai sót những chỗ cơ bản như: bài tập có mẫu số, có căn thức mà không đặt điều kiện; bình phương không xét dấu hai vế mà vẫn dùng kí hiệu. Các em cố gắng soát bài ngay trong quá trình làm, nhìn thật rõ từ dòng trên xuống dòng dưới xem mình viết gì, biến đổi thế nào, dùng công thức nào, đã chặt chẽ chưa. Đối với những bài toán có điều kiện, khi giải xong các bước, học sinh nhớ kết hợp với điều kiện để đưa ra đáp số cuối cùng.
 
Câu lạc bộ Gia sư Thủ khoa đến tư vấn tại Trường THPT Đồ Sơn (Hải Phòng).

Về làm bài môn Toán, Thủ khoa Long lưu ý, khi làm bài các em cố gắng tỉnh táo, quan sát mọi tình huống có thể xảy ra. Ví dụ giả thiết cho góc AMB =60 độ sẽ khác với góc giữa 2 đường thẳng AM và MB bằng 60 độ. Ở câu hỏi này thí sinh phải nắm vững bản chất góc giữa hai đường thẳng khác với góc giữa hai véc tơ như thế nào để giải bài tập.

Thí sinh cũng không bỏ cuộc quá sớm đối với những câu hỏi khó. Sau khi làm hết bài dễ học sinh quay lại làm bài dạng khó hơn và nghĩ đến đâu cứ mạnh dạn làm đến đấy vì đúng ở bước nào sẽ vẫn được điểm ở bước ấy. Nên viết chữ to và rõ ràng, cần thiết có thể viết cách dòng, khi sai thì gạch chéo và viết lại, tuyệt đối không viết đè lên những chỗ sai.

Sau khi làm xong không nên ra sớm, hãy soát lại tương ứng đề thi và bài làm của mình xem có sơ suất bỏ qua câu nào chưa làm vào bài thi, rồi từ từ soát lại cách làm và quá trình tính toán biến đổi từng bài đã làm.

Một điều quan trọng mà Thủ khoa Long liên tục mong các em học sinh nên nhớ, trước ngày thi phải sắp xếp thời gian học hợp lý, đọc lại hệ thống kiến thức và bài tập, tránh tối đa việc vào Facebook hoặc làm những việc tương tự vì dễ mất thời gian vào những việc không hữu ích. Mỗi ngày các em làm một đề thật cẩn thận giống như mình đang thi thật (nên làm đề đã có lời giải và chọn được đề có nguồn gốc chất lượng tốt).

Đề cần vừa sức, phù hợp với đề thi hiện nay, có thể tham khảo những đề chính thức hay dự bị các năm trước.Các em không nên làm những bài toán hóc búa, vượt quá khả năng của bản thân, điều này sẽ tạo tâm lý không tốt.

Ngoài ra, thí sinh cũng cần hệ thống lại các dạng toán và phương án đã dùng để xử lý bài toán đó. Ví dụ bài tập về tiếp tuyến, cần xem có những kiểu câu hỏi và phương pháp giải quyết như thế nào, khi nào nên dùng cách lập hệ điều kiện tiếp xúc, khi nào dùng cách gọi tiếp điểm M(x0; y0), tránh việc sa vào làm quá chi tiết gây mất thời gian. Không nên sợ những câu khó như bất đẳng thức, bạn chưa giải ra đến kết quả cuối cùng nhưng bạn vẫn có thể lấy được một phần tư số điểm bằng cách chọn điểm rơi chính xác đối với những bất đẳng thức có thể chứng minh bằng 2 bất đẳng thức kinh điển Bunhiacopxki và Cosi, từ đó lần ra cách chứng minh ngược quy trình...

“Phải thuộc và am hiểu chính xác định nghĩa, công thức tính, nắm vững các điều kiện và nội dung của định lý - hệ quả - tính chất. Đặc biệt nên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, buổi tối đi ngủ sớm để cho đầu óc thoải mái, chuẩn bị tư tưởng tốt cho ngày thi hôm sau” - Thủ khoa Long nhấn mạnh.
 
Đinh Quang Cường

Nguồn tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thu-khoa-toi-tan-truong-mach-nuoc-xu-li-bai-thi-dai-hoc-865239.htm